Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: 'Đại gia' ngoại lấn át trên thị trường bán lẻ

Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ thành vệ tinh làm thuê vì năng lực yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt trên 2.342 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Tháng 1/2012, chỉ số này đã tăng 8,1% so với cùng kỳ, đạt 209,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn rất lớn. Tuy nhiên, thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các đại gia ngoại.

Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Có tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang có đến 21 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam tuy có số lượng đông đảo nhưng để lại dấu ấn không nhiều.

Trước sự co hẹp của một số doanh nghiệp trong nước, nhiều đại gia nước ngoài đã nhanh chóng mở rộng để chiếm lĩnh thị phần. Có thể điểm qua một số tên tuổi nước ngoài đã rất thành công ở thị trường Việt Nam như Metro Cash & Carry (Đức), nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam từ năm 2001, Casino Group (Pháp), nhà bán lẻ hàng đầu thế giới với thương hiệu Big C, Lion Group (Malaysia) được biết đến với thương hiệu trung tâm thương mại cao cấp Parkson với 7 chi nhánh và đang tiếp tục mở rộng, Tập đoàn Circle K (mỸ) chỉ mới hoạt động hơn 2 năm trên thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng đã phát triển hệ thống phân phối với hơn 20 cửa hàng tiện dụng.

Ngoài ra còn nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), Diamond Plaza, Lotte Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hồng Công), Gouco Group (Hà Lan)… đang không ngừng phát triển dịch vụ, mạng lưới tại thị trường Việt Nam.

Trước sự gia nhập và bành trướng của các thương hiệu bán lẻ ngoại, lãnh đạo một hệ thống bán lẻ khá thành công tại Việt Nam cho biết với mong muốn tạo dựng một chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã bàn bạc về việc liên kết với nhau để xây dựng các hệ thống siêu thị hay trung tâm thương mại lớn để cạnh tranh.

Song, do các doanh nghiệp trong nước còn yếu về nội lực, thiếu kinh nghiệm nên thành công rất ít ỏi. Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, hiện các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém như kho hàng, bến bãi phân tán và hoạt động không hiệu quả, lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối kém chuyên nghiệp, phát triển manh mún, tự phát, chưa có chiến lược hợp lý…

Nguy cơ thành vệ tinh làm thuê

Theo nghiên cứu của Công ty Coldwell Banker Việt Nam, ngoài sự phát triển không ngừng của các tập đoàn ngoại đang có mặt, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được nhiều đại gia bán lẻ lớn của nước ngoài nhắm đến.

Năm 2012, các nhà bán lẻ danh tiếng như Tesco (Anh), Wall-Mart (Mỹ), Carrfour (Pháp) hay FairPrice (Singapore) đã có những bước đầu thăm dò, nghiên cứu thị trường và đặt ra ý định liên doanh liên kết với doanh nghiệp nội để tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường.

Mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart sau 2 năm nghiên cứu thị trường cũng cho biết năm 2013 sẽ mở siêu thị bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam và tiến tới xây dựng chuỗi 17 siêu thị từ nay đến 2017.

Theo bà Ja Young Heo, Giám đốc Bán hàng của Emart, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp Hàn Quốc để phát triển dịch vụ bán lẻ, logistics và đồ gia dụng. Dù hiện tại nhiều tập đoàn bán lẻ phương Tây đã phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng với một hệ thống siêu thị giá rẻ, chiến lược quản trị tốt và sự tương đồng về văn hóa sẽ giúp Emart khẳng định được chỗ đứng, giành được thị phần.

Đứng trước làn sóng lấn át của các nhà đầu tư ngoại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, lo ngại nhiều khả năng các doanh nghiệp nội sẽ phải làm thuê cho doanh nghiệp 'Tây'.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, việc thôn tính sáp nhập diễn ra theo hướng các doanh nghiệp nội lỗ thì các doanh nghiệp ngoại mua lại. Còn trong ngành bán lẻ và dịch vụ, các nhà đầu tư ngoại thường tiến hành liên doanh hợp tác, tiếp theo họ sẽ nâng cao thị phần để làm chủ cả thương hiệu.

Do đó, nguy cơ các doanh nghiệp bán lẻ nội bị phụ thuộc sau khi liên doanh rất cao. Để giành lại chỗ đứng, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng khắc phục các nhược điểm, thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản trị để đưa ra những chiến lược phát triển đúng đắn, xây dựng mạng lưới phân phối hợp lý và theo tiêu chuẩn hiện đại.

Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực phát triển mạng lưới để hình thành một hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy vậy, trước sự cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tự thân vận động. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại lại nhận được sự hỗ trợ lớn như có được những địa điểm thuận lợi, mặt bằng rộng và nhận được nhiều ưu đãi hơn trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, để có thể cạnh tranh, ngoài sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp cũng rất cần nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước để tạo ra một sân chơi công bằng trên thị trường bán lẻ.

Nguồn: http://vnexpress.net