Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Đề xuất gia hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió

Theo Hiệp hội điện gió tỉnh Bình Thuận, để ngành năng lượng gió Việt Nam có thể phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có cho phát triển kinh tế đất nước và góp phần bảo vệ môi trường Chính phủ và Bộ Công Thương cần xem xét gia hạn thời hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió thêm 14 tháng.

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển điện gió đứng đầu Đông Nam Á, có thể phát triển các dự án nối lưới với tổng công suất hàng chục ngàn MW góp phần đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao cho phát triển kinh tế và góp phấn bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã quan tâm và ban hành những chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phát triển điện gió.

Thực trạng phát triển điện gió tại Việt Nam

Dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được đưa vào vận hành năm 2009, đến nay, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, không giống như điện mặt trời, điện gió của chúng ta vẫn chưa đạt như mong đợi, chưa đạt mục tiêu Chính phủ đề ra trong Quy hoạch điện VII (QHĐ).

Một là: Đến đầu năm 2020 mới có 9 dự án điện gió đưa vào vận hành, tổng công suất 370 MW (so với mục tiêu trong QHĐ VII là 800 MW vào năm 2020).

Hai là: Tổng công suất lắp đặt trên cả nước đến thời điểm hiện nay mới đạt khoảng 400 MW và chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào hoàn thành.

Ba là: Hiện đang có hàng chục dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 theo Qui định của Quyết định 39/2018/QĐ-TTg nói trên. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, chủ quan, các dự án này đang đối mặt với nhiều nguy cơ làm đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước mốc thời gian nêu trên.

Nguyên nhân chưa đạt như kỳ vọng

Mặc dù điện gió được Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên phát triển trước điện mặt trời khá nhiều, tuy nhiên do có nhiều sự khác biệt mang tính đặc thù dưới đây nên việc phát triển các dự án điện gió đến nay vẫn còn hạn chế.

Thứ nhất: Giá mua điện gió dù được Chính phủ nâng lên mức tương đương 8,5 USCent/kWh, nhưng thực tế với mức giá này các chủ đầu tư chỉ có thể có lãi khi (1) dự án có gió tốt, (2) có nguồn vốn vay hợp lý và (3) lựa chọn được thiết bị phù hợp. Nhưng để hội tụ được cả 3 yếu tố này phải cần nhiều thời gian.

Thứ hai: Thi công dự án năng lượng gió phức tạp hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời. Ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua bin gió vận hành ổn định trên 20 năm thì cần phải có cần cẩu chuyên dùng để có thể lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi trên l00m. Thi công 1 dự án điện gió cần nhiều thời gian (thường từ 12 - 24 tháng và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro).

Thứ ba: Việc vận hành và bảo trì (O&M) các tua bin gió luôn khó khăn và tốn kém.

Thứ tư: Thời điểm hiện tại, ngành năng lượng gió trên thế giới đang trong giai đoạn phát triển nóng, các nhà xưởng chế tạo tại Trung Quốc và Tây Ban Nha đang bị đóng cửa vì đại dịch Covid-19, nên việc đặt hàng tua bin gió gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam phải đặt cọc với số tiên lớn và chỉ nhận được hàng sau 1 năm ký kết hợp đồng dẫn đến kéo dài tiến độ các dự án lên khá nhiều.

Kiến nghị của các nhà đầu tư

So với điện mặt trời, điện gió thân thiện hơn với lưới điện Việt Nam. Cụ thể là hệ số sử dụng trên lưới cao hơn (khoảng 30 - 35% so với 20% của điện mặt trời), điện gió có cả ban ngày, ban đêm và hiện đã có phần mềm dự báo chính xác trong vòng 1 tuần nhằm phục vụ điều độ hệ thống. Điện gió cũng sử dụng rất ít đất (0,35ha/MW so với 1,2ha/MW của điện mặt trời).

Với những đặc trưng nêu trên, để ngành điện gió Việt Nam có thể phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có cho phát triển kinh tế đất nước và góp phần bảo vệ môi trường, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương xem xét gia hạn thời hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thêm 14 tháng (từ 1/11/2021 đến 31/12/2022)./.

Nguồn: http://nangluongvietnam.vn