Về điện mặt trời trên mái nhà, tiếp theo cơ chế giá bán điện cố định (FIT) giai đoạn đến hết ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương đang tiếp tục dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có cơ chế giá FIT (mức giá FIT có thể thấp hơn giai đoạn trước) đến hết năm 2020
"Giải pháp phát triển điện mặt trời trên mái nhà mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, đầu tư, đặc biệt là không phải xây dựng lưới điện truyền tải kèm theo, nhưng cơ chế hỗ trợ giá FIT của Chính phủ đã hết hiệu lực. Xin cho biết quan điểm của Bộ Công Thương về khuyến khích phát triển nguồn điện này?" Trả lời câu hỏi này của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Về điện mặt trời trên mái nhà, tiếp theo cơ chế giá bán điện cố định (FIT) giai đoạn đến hết ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương đang tiếp tục dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có cơ chế giá FIT (mức giá FIT có thể thấp hơn giai đoạn trước) đến hết năm 2020.
Sau đó về lâu dài, theo Bộ trưởng Công Thương, điện mặt trời trên mái nhà sẽ hướng đến phát triển bền vững hơn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Chính phủ tiếp tục có các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn điện này dựa trên các lợi ích rõ ràng mà nó đem lại.
Liên quan đến cơ chế giá khuyến khích cố định (FIT), ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, về việc tạm dừng đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT.
Theo Bộ Công Thương, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 4 năm 2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 11), đã có khoảng 135 dự án với tổng công suất khoảng 8.935 MW điện mặt trời được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Đến nay, quy mô hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại các dự án điện mặt trời đạt khoảng 4.500MW, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ngày 22/11/2019, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 402/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 1/7/2019 (tiếp theo Quyết định số 11), trong đó thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng, đưa vào vận hành trong năm 2020.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư, trong thời gian tới Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét tạm dừng việc đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT cho đến khi có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.
Nguồn: http://nangluongvietnam.vn/