Trung tâm VJS là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Shirogane Transport (Nhật Bản) góp vốn 51% và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (cũng là nhà đầu tư KCN Phú Mỹ 3) góp vốn 49%, với tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD.
Trung tâm này được xây dựng trên khu đất rộng 22.500 m2 gồm các hạng mục: kho bãi, sàn nâng tự động, camera chống trộm. Đáng chú ý, trung tâm VJS sẽ cung cấp chuỗi dịch vụ hậu cần trọn gói và đồng bộ từ xuất nhập khẩu đến vận chuyển hàng nội địa tại Việt Nam như: đại lý vận tải, kho bãi lưu giữ hàng hóa, làm thủ tục hải quan…
Ông Nguyễn Anh Triết, trưởng BQL các KCN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, sự hoạt động của trung tâm chuyên biệt về hậu cần, logistics này sẽ giúp cho các DN Nhật Bản sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chuyên sâu trong KCN không phải tham gia vào việc mà họ không chuyên vì mảng hậu cần, xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN đã có trung tâm này đảm nhận.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi- chủ tịch Công ty VJS cho biết, trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, chỉ riêng nhà máy của Nitori (Nhật Bản) hiện nay mỗi tháng đã có hơn 1.000 container xuất nhập khẩu và khi nhà máy này hoạt động hết công suất con số này lên 2.500 container/tháng.
Ông Nguyễn Thành Long - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, việc đưa vào sử dụng trung tâm VJS chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn và qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
BR- VT là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ tiểu vùng sông Mê Kông, có lợi thế về cảng nước sâu và phát triển các khu công nghiệp. Từ những ưu thế đó, có thể nói, BR-VT có các điều kiện đặc biệt để phát triển ngành kinh tế dịch vụ logistics, ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế.
Hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24.12.2009 gồm 6 cụm cảng để đảm nhận khối lượng hàng thông qua dự kiến từ 500-600 triệu tấn năm 2015, từ 900-1.100 triệu tấn năm 2020 và từ 1.600-2.100 triệu tấn năm 2030. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu có tải trọng lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng Hải Phòng (nhóm 1), cảng Vân Phong – Khánh Hòa (nhóm 4) và cụm cảng Thị Vải – Vũng Tàu (nhóm 5). Đây là các cảng trung chuyển, cảng cửa ngỏ quốc tế của Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt khu vực châu Âu và châu Mỹ.
Nguồn: http://logistics.gov.vn