Sự bùng nổ hoạt động mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử đã làm thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ hậu cần (logistics). Tuy nhiên, để ngành này bắt kịp được với xu hướng mới, còn nhiều việc phải làm.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp logistics trong nước còn thấp nên chưa hỗ trợ cho ngành TMĐT phát triển như mong đợi.
Trong một diễn đàn về logistics diễn ra ở Quảng Ninh gần đây, Bộ Công Thương cho biết năm 2018 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) ở trong nước và lượng người tiêu dùng mua hàng qua mạng ở thị trường có gần 100 triệu dân này tiếp tục gia tăng.
Anh tài hội ngộ
Theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 của Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ, đạt mức tăng trưởng 24% so với năm 2016. Số người tham gia mua sắm trực tuyến là 33,6 triệu người, chiếm khoảng 35% dân số với giá trị mua sắm trực tuyến bình quân là 186 đô la/người. Bộ này cho biết “Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về thương mại điện tử”. Thị trường TMĐT tăng trưởng 35% hằng năm, nhanh hơn Nhật Bản 2,5 lần.
Ba thương hiệu TMĐT nổi bật trong năm nay trên thị trường bao gồm Lazada, Tiki và Shopee. Ngoài ra, phải kể tới các thương hiệu khác, như Thế giới Di động, Sen Đỏ, FPT Shop, Điện máy Xanh, Adayroi... Trong thời gian gần đây, nhiều công ty trong nước còn được các công ty lớn nước ngoài “tiếp sức”.
Mới đây, Lazada, với sự hỗ trợ từ Alibaba, đã công bố sự kết nối mạng lưới hơn 155.000 nhà bán hàng với hơn 3.000 thương hiệu và hơn 300 triệu sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng để phục vụ 560 triệu khách hàng Đông Nam Á. Những giao dịch này sẽ được thực hiện trên nền tảng sàn giao dịch cùng các giải pháp marketing, dữ liệu số và nhiều dịch vụ thương mại khác. Năm 2015, Alibaba bỏ ra 1 tỉ đô la để thâu tóm Lazada. Đầu năm 2018, Alibaba tiếp tục công bố đầu tư thêm 2 tỉ đô la vào Lazada trong mục tiêu đầu tư 4 tỉ đô la trong vòng hai năm tới để đưa Lazada duy trì vị thế số một Đông Nam Á.
Tiki cũng không kém cạnh. Xuất phát từ mô hình bán lẻ hàng hóa, Tiki đã dịch chuyển sang mô hình chợ trực tuyến kể từ năm ngoái với hơn 13 triệu lượt truy cập hằng tháng. Đồng thời, Tiki đã được các nhóm nhà đầu tư với sự dẫn đầu của JD.com rót vốn. JD.com, gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), có kết quả tài chính quý 1-2018 nổi bật với doanh thu thuần 216 tỉ đô la, tăng 33% so với quý 1-2017.
Shopee, đại diện cho nền tảng thương mại trên di động, sau gần hai năm có mặt tại Việt Nam, đã công bố đạt 18 triệu lượt tải phần mềm ứng dụng Shopee. Hiện Shopee có khoảng 7 triệu mặt hàng bày bán và khoảng 800.000 người bán hàng. Nhà đầu tư của Shopee là SEA Limited, có trụ sở tại Singapore, mới đây phát đi thông cáo hoàn thành việc chào bán cổ phiếu và thu về 575 triệu đô la. Khoản tiền này sẽ được dùng để mở rộng kinh doanh với trọng tâm là phát triển nền tảng thương mại điện tử Shopee.
Bên cạnh đó, số lượng các công ty nhỏ, hộ buôn bán và các cá nhân sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm vẫn tiếp tục tăng cao. Xu hướng này đã tạo ra nhu cầu dịch vụ giao hàng hoặc giao hàng kết hợp với thu tiền (cash on delivery - COD) tăng cao đột biến.
“Bối cảnh mua sắm đã thay đổi”, ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm việc quản lý tài sản, Logistics của ManpleTree – công ty có trụ sở chính tại Singapore – cho biết. Điều này buộc các công ty trong ngành logistics cũng phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, khẳng định: “Đây chính là lý do khiến ngành logistics truyền thống phải thay đổi để đáp ứng sự đòi hỏi của nền kinh tế số”.
Điểm nghẽn hạ tầng
Trong thời gian gần đây, lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh dẫn đến việc gia tăng nhu cầu dịch vụ logistics. Trên thực tế, theo các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành logistics, nhu cầu đang vượt quá khả năng đáp ứng của ngành.
Dự báo của Công ty Giao Hàng Nhanh cho thấy, số lượng đơn hàng tại Việt Nam đang tăng trưởng ở mức trung bình 45% trong giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020, tương đương với 472 triệu đô la về giá trị dịch vụ giao hàng năm 2020.
Nhu cầu logistics “thế hệ mới” dành cho TMĐT là có thật. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ dịch vụ logistics truyền thống sang logistics dành riêng cho TMĐT là không hề dễ dàng, trong đó có vấn đề liên quan tới tính pháp lý và thủ tục hành chính. Đây là những điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường TMĐT ở Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng hiện Việt Nam chưa có các quy định cụ thể dành cho logistics cho TMĐT. Ví dụ, hóa đơn tài chính (hóa đơn đỏ) là một chứng từ bắt buộc khi vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, với TMĐT ở Việt Nam phổ biến với lối giao hàng và thu tiền (COD), hàng đã lên đường chưa phải là một giao dịch thành công nên vẫn chưa đủ cơ sở để xuất hóa đơn đỏ. Chỉ đến khi khách hàng nhận hàng và thanh toán tiền thì mới đủ cơ sở để xuất hoá đơn. Thực tế cho thấy, Việt Nam sử dụng tiền mặt nhiều nhất so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Điều này dẫn tới rủi ro cho nhân viên giao nhận khi phải mang theo lượng tiền mặt lớn. Ngoài ra, tỷ lệ giao hàng không thành công cao do khách hàng không chấp nhận gói hàng đã đưa đến hoặc hủy đơn hàng trước khi được giao cũng cao.
Ngoài vấn đề rủi ro về mặt pháp lý, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành logistics hiện cũng là một vấn đề lớn. Theo bản báo cáo của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng một số nhóm như vận tải hàng không, đường bộ chỉ ở mức 20-25%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng của TMĐT. Các dịch vụ về kho hàng, trung tâm dịch vụ cũng còn sơ khai. Vận tải hàng hóa hàng không là phương tiện chủ lực trong TMĐT, nhất là TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, ngoài máy bay thì hệ thống kết nối phức tạp và dịch vụ hàng hóa còn thủ công dẫn tới tốc độ xử lý và lượng hàng được cho ra vào các cảng còn rất chậm. Chính điều này đã dẫn tới chi phí logistics còn chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu của doanh nghiệp.
Một nhà cung cấp dịch vụ tính toán, riêng với TMĐT, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu - một tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống. Chi phí logistics cho TMĐT tại Việt Nam hiện cũng cao hơn so với nhiều nước khác, như: Ấn Độ 15% (2017), Mỹ 11,7% (2015), Trung Quốc 12% (2015).
Tại TPHCM và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhưng chỉ có hai ga hàng hóa hàng không và không có nơi nào được quy hoạch cho dịch vụ hàng TMĐT. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cho TMĐT phải thuê các địa điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vốn nằm xen lẫn với doanh trại quân đội hay khu dân cư, đường giao thông kết nối rất khó khăn. Tại Nội Bài và Hà Nội, dù có không gian rộng lớn hơn so với TPHCM nhưng cũng chưa có khu vực quy hoạch dài hạn cho hàng hóa TMĐT.
Ông Bùi Anh Tuấn của ManpleTree cho hay, muốn phát triển logistics, việc đầu tiên phải làm là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng động (giao thông) và hạ tầng tĩnh (kho bãi). Hiện nay hạ tầng tĩnh liên quan tới kho vận của Việt Nam chỉ khoảng 3-3,5 triệu m2 chỉ bằng một nửa của Singapore, một nước nhỏ hơn Việt Nam rất nhiều cả về diện tích và dân số.
Đồng tình với quan điểm này, ông Clement Blanc, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào của DHL Global Forwarding (Vietnam) Corporation, cho biết hạ tầng logistics của Việt Nam chưa phát triển như mong đợi khi hạ tầng phía Nam đang đi sau phía Bắc. Hà Nội và Hải Phòng đang tiến rất nhanh nhờ chịu đầu tư cho đường cao tốc và cảng, trong khi tại TPHCM, cảng hàng không đang trong tình trạng quá tải. Việc đầu tư cải thiện hệ thống đường sắt Hà Nội-TPHCM đã được bàn thảo nhiều nhưng việc thực hiện vẫn chưa diễn ra như mong đợi.
“Liên” nhưng chưa “thông”
Bên cạnh việc đầu tư về hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một khâu cần phải đầu tư cả về phía doanh nghiệp và Chính phủ để phát triển ngành logistics phục vụ TMĐT. “Ngành logistics Việt Nam đang chứng kiến tình trạng xe chạy không tải chiều về”, ông Clement Blanc nói và cho biết thêm đây không chỉ là câu chuyện lãng phí về chi phí, mà còn là câu chuyện phát thải. Điều này, theo ông Blanc, là do sự thiếu hụt đối với “hạ tầng mềm” với những hạn chế về việc sử dụng công nghệ, dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý kho bãi, để tính toán dòng lưu chuyển trong giờ cao điểm.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, tới 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỉ đồng, 5% có mức vốn từ 10 tỉ đến 20 tỉ đồng, còn lại 5% có vốn từ 20 tỉ đồng trở lên. Để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ sự phát triển của TMĐT, việc ứng dụng công nghệ thông tin là điều rất quan trọng. Theo ý kiến của ông Trần Phương, Phó giám đốc công ty TNHH vận tải giao nhận PT, hiện chỉ có một số doanh nghiệp lớn áp dụng các phần mềm xử lý giao dịch trong toàn hệ thống, đa phần các doanh nghiệp nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin không đồng bộ và khó tích hợp được với các nền tảng công nghệ của cơ quan quản lý. Điều này là do chi phí áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống logistics khá đắt đỏ, chiếm từ 5-10% doanh thu của công ty.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, đặc biệt là trong hoạt động vận tải đường bộ, nơi đang chiếm hơn 77% mức thị phần vận tải của toàn xã hội. Đây là một yếu tố khiến các doanh nghiệp không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, việc kết nối ứng dụng giữa các công ty logistics và các cơ quan quản lý nhà nước mới áp dụng một cách cục bộ và còn rất nhiều hạn chế. “Chưa có sự chia sẻ tài nguyên giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nghĩa nói.
Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nếu hệ thống này được triển khai thì sẽ tiết kiệm hàng triệu giờ công lao động của toàn xã hội hằng năm. Tuy nhiên, để triển khai được một hệ thống như thế, theo ông nghĩa, cần sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó, doanh nghiệp phải “tương thích” để kết nối và các cơ quan quản lý nhà nước cần sẵn sàng kết nối và chấp nhận. Muốn vậy, việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Ông Nghĩa đề xuất, cần luật hóa việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. “Đây là yêu cầu quan trọng, là sự đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp nhằm giúp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh được thực hiện trên cơ sở thông tin đầy đủ, giúp cho các quyết định đầu tư trở nên thông minh hơn, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa giá trị tạo ra cho xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, để hình thành một nền kinh tế số, cần thiết lập một mặt bằng ứng dụng công nghệ thông tin chung cho toàn xã hội. Mặt bằng này bảo đảm khả năng kết nối giữa các chủ thể tham gia vào một nền kinh tế số trong tương lai.
Trở lại với câu chuyện của ông Trần Phương, Phó giám đốc công ty TNHH vận tải giao nhận PT, do sự thiếu đồng bộ giữa phần mềm ứng dụng của công ty và cơ quan quản lý nên việc khai báo vẫn chậm, phải thực hiện nhiều lần và vẫn mang tính thủ công. Do đó, chừng nào yếu tố công nghệ và sự liên thông giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý chưa thực hiện được thì rất khó để ngành logistics hỗ trợ cho TMĐT “cất cánh”.