Tính đến ngày 20/11/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử, nhựa tại Công ty TNHH Yokoi Muold Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đó, tính đến ngày 20/11/2018, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 15,78 tỷ USD, bằng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,4 tỷ USD, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 11 tháng, cả nước có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2017.
Tính đến ngày 20/11/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 160,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 158,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 14,2 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,1 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hiện có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư.
Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư.
Đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố; trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,3 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,49 tỷ USD chiếm 8% tổng vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 11 tháng năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 68,4 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 50,9 triệu USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Trong 11 tháng, Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, Lào dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư.
Australia xếp thứ 2 với 52,7 triệu USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,9 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.
Nguồn: https://baomoi.com