Dù Việt Nam được coi là "giỏ" lương thực của thế giới nhưng theo các chuyên gia, chiếc "giỏ" này còn đơn điệu và thiếu màu sắc. Nông sản Việt rất phong phú nhưng thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nên khó đi xa.
Thị trường ngày càng khắt khe
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2011 - 2017 đạt 8,6%/năm. Kim ngạch XK năm 2017 đạt 33,4 tỷ USD, tăng gấp 68 lần năm 1986, gấp 8 lần năm 2000 và gần gấp đôi năm 2010. Đặc biệt, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp đã được XK sang gần 200 thị trường, trong đó có nhiều thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...
Tại hội thảo "Tiếp cận thị trường trong nước và XK đối với nông sản Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Phạm Tuấn Long - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo lộ trình cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu (NK) của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng nông sản của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất nông lâm thủy sản mới.
Nông sản Việt chủ yếu tiêu thụ theo kênh truyền thống, ít vào được siêu thị. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, nông sản Việt cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ông Long phân tích, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, nhận thức của người dân cũng như Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Với Mỹ, thị trường này đặt ra quy định yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật đối với trái cây tươi Việt Nam.
Tại Úc, Luật Kiểm soát thực phẩm cho phép Bộ Nông nghiệp Úc thực hiện Chương trình kiểm tra thực phẩm NK. Nếu thực phẩm có nguy cơ ở mức độ trung bình đến mức độ cao thì sẽ được phân loại là “thực phẩm hiểm họa”. 100% lô hàng của doanh nghiệp NK loại thực phẩm này sẽ bị kiểm tra và xét nhiệm đối với vi khuẩn và chất ô nhiễm.
Thực phẩm khác được xem là có nguy cơ thấp được phân loại “thực phẩm diện giám sát”. Các lô hàng này sẽ có xác suất 5% bị kiểm tra việc có đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn thực phẩm của Úc hay không. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với hàng XK của Việt Nam vào Úc.
Thống kê của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy hiện nay, 85% nông, thủy sản được bán lẻ thông qua kênh truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường); chỉ 15% sản phẩm bán qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Đây là con số thấp hơn so với tỷ lệ hàng hóa phi thực phẩm. Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm chưa đạt các quy định về an toàn thực phẩm mà siêu thị đặt ra; kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo.
Liên kết sản xuất theo chuỗi
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định: Nông sản Việt rất phong phú nhưng thiếu đi những sản phẩm giá trị gia tăng. Đa số sản phẩm là xuất thô, đặc biệt thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Muốn giải quyết được các vấn đề này cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì. Đồng thời, cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin.
Làm thế nào để nông sản phát triển theo hướng an toàn, minh bạch, bà Ngô Thị Minh Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) – cho rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra bền vững. Đồng thời, nông sản có chất lượng sẽ nâng cao được niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Theo bà Loan, các nhà bán lẻ đều có những yêu cầu riêng, những tiêu chí rõ ràng về chất lượng hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng. Tuy nhiên, người nông dân lại không có quy trình sản xuất an toàn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng; Không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, ông Hoàng Sơn Công - Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho rằng Việt Nam không thiếu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có thực trạng người nông dân áp dụng xong một vụ rồi thôi.
"Như tiêu chuẩn VietGAP có địa phương áp dụng hàng ngàn hecta nhưng năm sau bỏ! Câu trả lời là hàng làm ra không bán được nên nông dân không mặn mà. Người nông dân không phải không biết quy trình, áp dụng tiêu chuẩn như thế nào nhưng họ cần doanh nghiệp phân phối đảm bảo đầu ra, ứng tiền trước rồi mới làm" - ông Công nói.
Nguồn: http://danviet.vn