Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, trên thực tế, nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn đang phát triển manh mún, thị trường chưa định hình. Ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Khó khăn chính của sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay là gì, thưa ông?
Trước năm 2018, ở nước ta mới có tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ (NNHC), tuy nhiên, tiêu chuẩn này ban hành xong gần như không được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất, đặc biệt, không có đơn vị nào có đủ tư cách pháp nhân đứng ra chứng nhận theo tiêu chuẩn đó. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất NNHC vừa qua nếu có lấy được chứng nhận thường là của các tổ chức nước ngoài và khi nhận được chứng nhận rồi thì phần lớn sản phẩm là xuất khẩu ra nước ngoài, còn thị trường trong nước dường như bị ngỏ.
Qua đó có thể thấy, chúng ta đang thiếu chính sách hoặc chính sách không đồng bộ về phát triển NNHC. Đây là nguyên nhân khiến cho ngành NNHC tại Việt Nam vẫn còn manh mún.
Có 2 vấn đề lớn trong sản xuất NNHC, đó là lượng DN và người dân tham gia chưa nhiều, giá thành sản phẩm còn quá cao. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 10 nghìn ha diện tích đất canh tác nông nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hóa học để sản xuất NNHC. Nhưng đến nay, con số này đã lên tới 76 nghìn ha diện tích, và sản lượng cũng tăng lên tương ứng gấp 4 lần so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, có một thực tế là sản phẩm có chứng nhận hữu cơ đang bán ra thị trường với giá khá cao, gấp 3-4 lần so với sản phẩm thông thường. Mức giá cao này là không có cơ sở. Nếu làm đúng theo chứng nhận của hữu cơ, đúng quy trình, giá cả minh bạch thì mức giá không quá cao so với phương pháp sản xuất thông thường.
Nghị định 109/2018/NĐ-CP là tiền đề, tạo hành lang pháp lý cho NNHC nói riêng và nông nghiệp sạch nói chung phát triển.
Bên cạnh đó, trong khi chúng ta chưa có chính sách một cách rõ ràng, minh bạch cho NNHC thì một số cá nhân, đơn vị lợi dụng điểm “giao thời” để lợi dụng và thu lợi bất chính. Việc này làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm NNHC.
Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về NNHC được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ “cởi nút thắt” cho phát triển nông nghiệp sạch. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngày 29/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/NĐ-CP về NNHC. Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về NNHC và hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cũng xây dựng Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Đáng chú ý, tại Nghị định 109/NĐ-CP có 7 chương và 20 điều, trong đó có 1 Chương nêu hoàn toàn về những chính sách ưu tiên cho phát triển NNHC. Nhóm chính sách đầu tiên là những đơn vị, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm NNHC được hưởng tất cả các chính sách mà Chính phủ đã ban hành khuyến khích cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Cụ thể như: Chính sách về ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao, chính sách khuyến nông, … Ngoài ra, trong Nghị định còn ban hành thêm 1 Điều quy định các chính sách đặc thù cho riêng phần NNHC. Đây là cơ hội rất tốt để NNHC phát triển. Theo đó, sẽ dành hỗ trợ 100% kinh phí cho quy hoạch xác định vùng sản xuất NNHC, phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất và 100% kinh phí để hỗ trợ chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Dành chính sách ngân sách cho việc đào tạo, tập huấn cho những người làm NNHC nói chung và cho cán bộ của hệ thống khuyến nông. Dành kinh phí ngân sách để phát triển mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Nghị định 109 có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, sau khi Nghị định ra đời sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn của các bộ quản lý nhà nước. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn và phải xây dựng được các đơn vị chứng nhận độc lập để chứng nhận các sản phẩm hữu cơ. Nếu các nội dung trong Nghị định được thực hiện đầy đủ, thì đây là những hành lang pháp lý thuận lợi cho NNHC tại Việt Nam phát triển.
Để phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và NNHC nói riêng, theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì?
Theo tôi, UBND các tỉnh, thành phố cả nước cần sớm triển khai đưa Nghị định 109/2018/NĐ-CP để đưa phát triển NNHC vào thực tiễn sản xuất tại địa phương mình. Cùng với đó, có thể ban hành thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển lĩnh vực này. Đặc biệt, địa phương nên có đề án hoặc nghị quyết chuyên đề về phát triển NNHC của tỉnh, địa phương.
Ngoài các chính sách khuyến khích NNHC đã quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP, các địa phương cần chủ động và cụ thể hơn trong phát triển NNHC tại địa phương như hỗ trợ sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; phân bón, thức ăn hữu cơ.
Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình. Vì mỗi một thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng được các yêu cầu đó cần phải tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo luật.
Các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề để đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận, khuyến khích người sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.
Nguồn: http://kinhtevn.com.vn