Chiều 30/9/2018, tại Hà Nội, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức lễ ra mắt. Theo đó, bắt đầu từ tháng 10, "siêu ủy ban" sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu Nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Tại buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị định gồm 4 Chương và 11 Điều, trong đó quy định Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản được Đảng, Nhà nước đặt ra. Việc ra mắt Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tôi muốn nhấn mạnh hiệu quả hoạt động, hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước sau khi có Uỷ ban này”, Thủ tướng nói và cho biết Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước được Đảng Nhà nước giao quản lý số vốn gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2,3 triệu tỷ, chiếm 2/3 tổng số vốn tại doang nghiệp. Những doanh nghiệp chuyển giao về Uỷ ban đều là những doanh nghiệp giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế Việt Nam.
Yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mỗi đơn vị trong Uỷ ban cần có thước đo về kết quả công việc, thước đo này cần cải thiện qua mỗi năm.
Chính thức ra mắt 'siêu ủy ban' quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước
Uỷ ban này cũng cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ hàng đầu của đất nước; Bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh việc công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp, tránh thất thoát vốn Nhà nước, tham nhũng.
Tại buổi lễ ra mắt, Uỷ ban cũng đã cùng với 5 bộ: Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông và Bộ Tài chính ký biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp nêu trên về Uỷ ban.
Theo quy định tại Nghị định, Uỷ ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định được ký ban hành, tức là từ ngày 29/9/2018.
Cũng trong Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn: http://vietnamfinance.vn