Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

SỰ KIỆN: Diễn Đàn Xúc Tiến Thương Mại Và Hợp Tác Đầu Tư Phát Triển Ngành Thực Phẩm Việt Nam Lần 2 Năm 2018

Sáng ngày 19/9, Ông Võ Sáng Xuân Vinh và Ông John Keogh đại diện Công ty TNHH Tư vấn Sóng Xanh (Sóng Xanh) là khách mời danh dự tham gia buổi tọa đàm về “Sự hấp dẫn của ngành chế biến thực phẩm Việt Nam” trong diễn đàn Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam lần 2 được tổ chức bởi Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Các khách mời tham gia thảo luân tại  diễn đàn xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm

Theo số liệu dự báo của VN Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam ước đạt tăng trưởng khoảng 11% trong giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2017, ngành thực phẩm chiếm 15% GDP Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trung bình 9,7%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng 6,7%/năm. 

Về xuất khẩu, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn thuộc nhóm nước xuất khẩu gạo, điều, cà phê lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, đối với các nhóm nông – thuỷ hải sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt như: rau quả (20,9%) đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thuỷ sản tăng 11%. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia tham dự cho rằng, trước khi tính đến chuyện kêu gọi đầu tư hay bất cứ thứ gì khác, các doanh nghiệp thực phẩm cần sản xuất ra những sản phẩm sạch. Sau đó, bằng nhiều phương cách khác nhau như truy xuất nguồn gốc bằng cách sử dụng các công nghệ để thể hiện ra được, sản phẩm mình sạch và sạch như thế nào.

Tuy nhiên, theo Ông John G.Keogh, chuyên gia về Tính minh bạch của chuỗi thực phẩm toàn cầu, blockchain không phải là công nghệ duy nhất mà chúng ta có thể áp dụng vào làm hệ thống truy xuất, nó chỉ là công nghệ tối ưu nhất mà thôi.

“Có nhiều cách để chứng minh sản phẩm của mình là an toàn, không chỉ mỗi blockchain. Có nhiều doanh nghiệp không cần blockchain, chỉ nên áp dụng blockchain khi nào doanh nghiệp đã tương đối lớn, có khả năng tài chính dồi dào, kế hoạch kinh doanh cụ thể. Trước khi quyết định dùng công nghệ gì cho hệ thống truy xuất, bạn phải biết mình đang có gì và cần gì”, Ông John nói.

Còn theo Ông Võ Sáng Xuân Vinh, chuyên gia quản lý đầu tư, Chủ tịch cộng đồng CFA Việt Nam, song song với việc có sản phẩm sạch cùng hệ thống truy xuất phù hợp, các doanh nghiệp phải lên được kế hoạch kinh doanh cụ thể.

“Nếu không có một bảng kế hoạch kinh doanh thật cụ thể trong vòng 5 năm, rất khó để doanh nghiệp có thể thu hút được các nhà đầu tư. Thế nên, các Ông chủ cần phải có mô hình - kế hoạch kinh doanh cụ thể cho doanh nghiệp của mình, đừng chỉ để trong đầu. Bản kế hoạch đó phải liên tục được điều chỉnh sao cho khoa học – logic – thực tế nhất có thể. Mà muốn có một kế hoạch kinh doanh như thế, doanh nghiệp cần hiểu mình đang ở đâu trong vòng đời một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)”, Ông Vinh cho biết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm của mình cũng ghi được rất nhiều điểm trong mắt nhà đầu tư. Một doanh nghiệp có khâu chế biến, kiểm soát hoạt động chế biến, có hệ thống phân phối, kiểm soát được cả đầu ra và đầu vào sẽ được nhận tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp chỉ chế biến đơn thuần.

Tất nhiên, không phải tất cả SME trong ngành thực phẩm ở Việt Nam đều có thể làm tốt 2 công việc trên.

Có thể thấy rằng, để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng giá trị doanh nghiệp trong mắt đối tác và nhà đầu tư, Doanh nghiệp cần thực hiện việc sản xuất sản phẩm sạch song song việc áp dụng công nghệ vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, trong sự kiện này Sóng Xanh cũng có cơ hội để giới thiệu về Trung Tâm Xúc Tiến Chuỗi Giá trị thực phẩm (VFIC) cũng như dịch vụ tư vấn tài chính mới.

VFIC sẽ hoạt động như là một công ty phi lợi nhuận hướng tới việc hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp thực phẩm và chế biến thực phẩm trong nước, cũng như là cầu nối tin cậy của các tổ chức, tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư và khai thác ngành công nghiệp đầy hứa hẹn này của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp trong nước, VFIC sẽ cung cấp những gói dịch vụ phù hợp (từ tìm kiếm thị trường, thiết kế sản phẩm, cập nhật các quy chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, kiểm định chất lượng cho đến lập kế hoạch tài chính, mở rộng năng lực, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và kêu gọi vốn đầu tư), để giúp họ vạch ra một lộ trình phát triển dài hạn và khả thi nhất. Trung tâm này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước với định hướng xuất khẩu, mà còn là đầu mối thông tin giúp các tổ chức và công ty ở nước ngoài đánh giá đúng chất lượng của nguồn cung ứng sản phẩm từ Việt Nam.

Trong dự án này, Sóng Xanh đóng vai trò là nhà tư vấn tài chính và chiến lược, sẽ cùng đồng hành cùng VFIC hỗ trợ đa dạng các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam. Trong đó, có một dịch vụ mới được đưa vào là dịch vụ tư vấn soạn thảo báo cáo khả thi và kế hoạch kinh doanh. Dịch vụ mới này hướng tới việc hỗ trợ các công ty chưa niêm yết và/hoặc trước giai đoạn tăng vốn trong việc lập chiến lược phát triển kinh doanh và kế hoạch tài chính phù hợp cho các giai đoạn phát triển cũng như việc huy động vốn trong tương lai.

Trung tâm VFIC được hình thành và phát triển bởi Ông John Keogh cùng với sự hỗ trợ tích cực của Sóng Xanh. Dự kiến trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay.

Nguồn tham khảohttps://theleader.vn/hai-bi-quyet-giup-doanh-nghiep-thuc-pham-me-hoac-nhung-nha-dau-tu-thien-than-1537382572273.htm