Vốn có lẽ là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp, cùng với sự èo uột của thị trường chứng khoán và tiến độ giải ngân khá chậm của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã khiến cơn khát vốn ngày càng trầm trọng. Tính đến tháng 10, tiến độ giải ngân ngân sách chỉ đạt 76,2% so với kế hoạch cả năm.
Vốn có lẽ là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp, cùng với sự èo uột của thị trường chứng khoán và tiến độ giải ngân khá chậm của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã khiến cơn khát vốn ngày càng trầm trọng. Tính đến tháng 10, tiến độ giải ngân ngân sách chỉ đạt 76,2% so với kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống ngân hàng đang dư thừa một lượng vốn dồi dào. Một phần là do các ngân hàng không dám mạnh tay cho vay trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), do nhu cầu yếu nên hầu hết các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tốt, đều không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Biểu hiện của tình trạng thừa tiền nói trên là việc các ngân hàng đổ xô mua trái phiếu chính phủ để tránh rủi ro, cùng với việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước gần đây còn hút ròng một lượng tiền đáng kể khỏi thị trường.
Đó là một nghịch lý: người thừa tiền để cho vay, kẻ thì khát vốn. Hiện tại đã vậy, liệu năm sau có khá hơn?
Năm tới, ổn định vĩ mô vẫn là mục tiêu chủ chốt của Chính phủ. Do đó, tín dụng cho nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trong năm tới, cao hơn nhiều so với năm nay.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng tín dụng trong năm tới sẽ cao hơn mức 10% để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo kế hoạch của Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ nâng cao cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp.
Việc cải cách hệ thống ngân hàng, theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2013. Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia đang được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng xem xét. Nếu thành công trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém và giải quyết nợ xấu - nút thắt lớn nhất của hệ thống ngân hàng - nguồn vốn đang dồn ứ có thể sẽ được khai thông để đến tay các doanh nghiệp.
Hiện nay, một số ngân hàng đã dành nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Một số thậm chí còn chủ động xử lý nợ cho các khách hàng (như vụ Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội đứng ra giải quyết nợ tại Công ty Thủy sản Bình An), hay xem xét lại chính sách cho vay như Ngân hàng OCB.
Ông Tùng, OCB, cho biết Ngân hàng đang xét lại các tiêu chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp, trong đó chú trọng giá trị các giao dịch mà doanh nghiệp thực hiện với đối tác để cho vay, chứ không nhất thiết chỉ căn cứ vào lịch sử tín dụng.
Các ngân hàng nước ngoài cũng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam. Hồi cuối tháng 8, ANZ Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại Cần Thơ. Theo ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam, việc này là nhằm tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh cho vay thương mại, xuất nhập khẩu tại đây.
Bên cạnh vốn ngân hàng, còn có một lượng vốn đáng kể từ các nguồn khác như đầu tư công, kiều hối, vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Vốn ODA được dự tính đạt khoảng 3,6 tỉ USD trong năm tới. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm sau cán cân tổng thể có thể thặng dư 3-4 tỉ USD. Dự báo này là có cơ sở khi gần đây, cán cân tổng thể có xu hướng được cải thiện. Năm 2011, Việt Nam đã thặng dư 2,65 tỉ USD, còn 9 tháng đầu năm nay, con số này đã là 8 tỉ USD. Mức thặng dư đột biến này một phần lớn là do thâm hụt thương mại trong 9 tháng đầu năm giảm quá nhanh so với những năm trước.
Bên cạnh đó, ông Thành, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Chính phủ sẽ xem xét lại một loạt các dự án hạ tầng trong năm tới. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 180.000 tỉ đồng, trong khi vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ có thể đạt 45.000 tỉ đồng. Đồng thời, một phần nợ tồn đọng 90.000 tỉ đồng trong xây dựng cơ bản của các địa phương nhiều khả năng sẽ được Nhà nước chi trả một phần.
Khảo sát của Công ty Tư vấn Grant Thornton Việt Nam về cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 12 tháng tới, dù đã cho thấy tâm lý khá bi quan của nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, nhưng cũng chỉ ra được một số lĩnh vực còn sức hấp dẫn như y tế, dược phẩm và bán lẻ. Điều này có thể sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đầu tư.
Những thông tin trên cho thấy dường như lượng vốn trong năm tới sẽ khả quan hơn nhiều so với năm nay. Nhưng doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn này? Theo ông Thành, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đánh bóng bản thân nhiều hơn nữa.
Nguồn: nhipcaudautu.vn