Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2018, tổ chức vào ngày 31 tháng 7 và 1 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng đã quyết định cho phép tỉnh Ninh Thuận được hưởng theo chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai.
Ninh thuận đã cấp phép đầu tư cho 27 dự án điện mặt trời
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2018 nếu rõ: Về dự thảo Nghị định thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ. Trong đó, cho phép tỉnh Ninh Thuận được hưởng theo chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai. Mặt khác, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 8/2018.
Trước đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/9/2017, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Thông tư này gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định về quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.
Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá nêu trên.
Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Thông tư sẽ giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời, bổ sung công suất cho hệ thống điện, từng bước tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời do vị trí địa lý nằm gần xích đạo, cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,5 - 5,5 kWh/m2/ngày. Nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030. Cụ thể: tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Nguồn: http://nangluongvietnam.vn