Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Hợp đồng mua bán điện và rủi ro tín dụng làm chùn bước nhà đầu tư năng lượng sạch

Dù đã có nhiều cơ chế chính sách nhưng thị trường điện gió, điện mặt trời vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nhìn dưới góc độ nhà đầu tư, chủ yếu liên quan tới hợp đồng mua bán điện và rủi ro tín dụng.

 
Các nhà đầu tư thảo luận bên lề Hội nghị điện gió - Ảnh: TD

“Tuy nhiên, cho đến nay nghiêm túc thấy là thị trường (điện gió, điện mặt trời) chưa cất cánh được”, ông Bùi Vĩnh Thắng, Quản lý phát triển kinh doanh, Công ty năng lượng tái tạo Mainstream nói. Bên lề Hội nghị Điện gió lần đầu tiên tại Việt Nam 2018 diễn ra ngày hôm nay 6-6, ông Thắng cho hay, cơ chế của Chính phủ cho điện gió có từ năm 2012 và điện mặt trời từ năm 2017.

Hạn chế, theo ông Thắng, chủ yếu liên quan tới hợp đồng mua bán điện. Hợp đồng mua bán điện chuẩn mẫu mà Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra cho điện mặt trời rất khó cho nhà đầu tư huy động vốn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài bởi các điều khoản trong đó mang lại rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư.

“Cho nên các tổ chức tài chính khi tiếp cận dự án, họ rất e ngại hoặc nhìn phát họ đi luôn”, ông Thắng nói và cho biết thêm, hợp đồng mua bán điện là hạn chế lớn nhất hiện nay cho việc phát triển điện gió và điện mặt trời.

Hạn chế nữa là rủi ro tín dụng của EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam). Từ đầu năm 2017, Chính phủ ban hành quy định không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án nữa. Nói chung chỉ dự án đặc biệt quan trọng mới có bảo lãnh Chính phủ.

“Từ đầu năm đến nay chúng ta chưa thấy có dự án nào của EVN được Chính phủ bảo lãnh cả. Chúng tôi tin trong tương lai gần cũng khó có dự án nào được bảo lãnh Chính phủ”, ông Thắng nói.

Đồng thời, hiện nay, rủi ro tín dụng của EVN chưa được đánh giá và các nhà đầu tư khi nhìn vào EVN họ không biết mức độ tín dụng của EVN được đánh giá ở mức nào.

“Chúng tôi biết, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ EVN về vấn đề này, hy vọng sẽ sớm có kết quả. Khi có rủi ro tín dụng của EVN sẽ dễ hơn cho các tổ chức tài chính đánh giá mức rủi ro và các nhà đầu tư như chúng tôi sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để phát triển các dự án ở Việt Nam”, ông Thắng nói.

Dưới quan điểm của nhà đầu tư thì đây là hai khó khăn lớn nhất. Ngoài ra còn khó khăn liên quan tới lưới điện, về đất, về mặt trời hay về gió….

Nhân hội nghị Điện gió lần này, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) cho hay, GWEC mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại: một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng; đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm”.

Điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỉ đô la Mỹ với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng vì đây thường là lựa chọn sản xuất điện chi phí thấp nhất.

Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo mới, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tới năm 2025, đây sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới: điện gió đã trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững.

Mặc dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

GWEC tin rằng một khi có thể hợp tác với Chính phủ để giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió ở Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn