Ngày 17-5, một phái đoàn khoảng 75 công ty hoạt động trong ngành dầu khí, gas và năng lượng tái tạo của Anh đã tham dự sự kiện chuyên ngành "EIC Connect Energy Vietnam 2018 - Hội nghị Kết nối Năng lượng 2018" tại TPHCM nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài với các công ty Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (trái) trao đổi với đại diện đoàn doanh nghiệp Anh, cơ quan ngoại giao Anh ở bên lề hội nghị - PHOTO: HUNG LE
Đây là sự kiện chuyên ngành quy mô lớn, quy tụ hơn 50 công ty hàng đầu về lĩnh lực năng lượng của Anh và nhiều công ty khác trong khu vực tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác mang tính chiến lược.
Ông Stuart Broadley, Giám đốc điều hành (CEO) của EIC, dẫn chứng một cuộc nghiên cứu của EIC vào năm 2017 cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong tốp 10 nước có kế hoạch đầu tư nhiều và phát triển ngành năng lượng trong 5 năm tới. "Đây là lý do mà nhiều công ty Anh trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác kinh doanh lần này".
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho rằng phần lớn các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam như dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại được khai thác trong nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác không có sự đột biến lớn về lượng. nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế đang ngày càng tăng cao trong khi nguồn năng lượng sơ cấp lại hạn chế, từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tinh năng lượng.
Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5%. Tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đã giảm đáng kể từ 44,2% năm 2000 xuống 16,9% vào năm 2015.
Theo dự báo về nhu cầu năng lượng trong nước cho thấy, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Nhu cầu được dự báo tăng từ 54 triệu TOE năm 2015 lên khoảng 90 triệu TOE vào năm 2025 và tăng lên mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035.
Chỉ riêng trong lĩnh vực điện lực, để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mỗi năm Việt Nam cần có thêm từ 5.000 đến 7.000 MW công suất lắp đặt mới. Với tốc độ tăng trưởng phụ tải được dự báo cho các năm tới ở mức trên 10%/năm và nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện bình quân là khoảng 7,9 tỉ đô la Mỹ/năm.
Có thể thấy, nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam theo ông Hưng là cấp thiết và đây cũng là cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của nước Anh. Ông kỳ vọng, với năng lực khoa học kỹ thuật sẵn có của các doanh nghiệp Anh và tiềm năng phát triển của Việt Nam, hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác. Hội nghị nói trên là cơ hội trao đổi của đại diện các cơ quan Chính phủ cũng như các doanh nghiệp năng lượng hai bên nhằm tạo ra một sự liên kết làm cơ sở triển khai các dự án hợp tác hiệu quả và thành công trong tương lai.
Công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp năng lượng Anh được đánh giá là chất lượng cao, nhưng giá cả cũng cao, do đó theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đây là lý do mà công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp nước này đưa vào Việt Nam chưa được các doanh nghiệp trong nước chú ý nhiều.
EIC Connect Energy Vietnam là sự kiện phi lợi nhuận do Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (Energy Industries Council - EIC) tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, các nhà phát triển và sản xuất thiết bị gốc trong khu vực đến chia sẻ về các cơ hội cung ứng trong các dự án hiện tại và sắp tới của ngành năng lượng. Sự kiện lần này được đồng tổ chức bởi Tổng Lãnh sự quán Anh tại TPHCM và EIC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
EIC là tổ chức phi lợi nhuận có hơn 650 thành viên là các công ty Anh hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (dầu khí và gas, năng lượng tái tạo).
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn