Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Blockchain và nông sản sạch cho người tiêu dùng

Từ năm ngoái đến nay, cụm từ "blockchain" đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước khi nó thường được nhắc tới khi nói về cơn sốt tiền ảo. Trên thực tế, công nghệ blockchain cho phép thực hiện các giao dịch kỹ thuật số và lưu trữ hồ sơ có độ an toàn cao. Mặc dù blockchain được lần đầu tiên sử dụng trong đồng tiền kỹ thuật số, công nghệ này có thể được áp dụng cho tất cả các loại giao dịch, trong đó có nông nghiệp

Blockchain giúp làm giảm tính không hiệu quả và gian lận trong khi vẫn cải thiện tính an toàn của thực phẩm và nguồn thu của nông dân, và giúp giảm thời gian giao dịch. Về mặt lý thuyết, công nghệ này cho phép người tiêu dùng dùng chiếc điện thoại của mình quét mã vạch của một mặt hàng nông sản hay thực phẩm trong siêu thị và ngay lập tức xem toàn bộ chuỗi cung ứng từ siêu thị đến nông dân. Người tiêu dùng qua đó có thể xác định được độ an toàn của nông sản, thực phẩm.

Từ góc nhìn này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã tổ chức bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia blockchain hàng đầu ở Việt Nam, nhằm làm rõ hơn câu chuyện ứng dụng công nghệ mới này trong ngành nông nghiệp và cung cấp đến độc giả những thông tin hữu ích cho việc lựa chọn, tiêu dùng nông sản an toàn. Bàn tròn có sự tham gia của ông Bình Bùi, Giám đốc điều hành (CEO) TraceVerified; ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Bắc Đẩu (Sao Bắc Đẩu Hitek); ông Vương Quang Long, CEO của TomoChain và ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lina Network.

Với công nghệ blockchain, người tiêu dùng có thể quét mã vạch của một sản phẩm trong siêu thị và xem toàn bộ chuỗi cung ứng từ khi nuôi trồng, chế biến và đến tay người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Reuters

TBKTSG Online: Blockchain có thể giúp người tiêu dùng truy xuất toàn bộ thông tin và xuất xứ của thực phẩm, điều này đúng hay không? Tại Việt Nam đã có những ứng dụng phần mềm nào đáp ứng được yêu cầu này?

- Ông Bình Bùi (TraceVerified): Về lý thuyết, theo nghiên cứu của André Jeppsson và Oskar Olsson (như hình bên dưới) cho thấy ứng dụng công nghệ blockchain (decentralized) và công nghệ hiện tại (centralized) là không có sự khác biệt về truy xuất nguồn gốc (traceability). Tuy nhiên, blockchain sẽ làm tăng tính minh bạch (transparency) và giá trị tin tưởng (trustworthy) hơn so với công nghệ hiện tại. Blockchain cũng được đánh giá có tiềm năng (potential) lớn hơn trong tương lai, nhưng cần thêm thời gian hơn để hoàn thiện. Do đó, tính ứng dụng thực tiễn, sự chín muồi (maturity) của công nghệ hiện tại vẫn được đánh giá cao hơn blockchain.


Tính an toàn của nông sản, thực phẩm do quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm và uy tín của nhà sản xuất. Để có nông sản thực phẩm an toàn, trước hết cần có nhà sản xuất uy tín, mà trong đó, thông tin đúng là một công cụ quan trọng để xây dựng uy tín của nhà sản xuất. Blockchain không phải là cái máy kiểm tra và phát hiện nói dối nên không thể nói nông sản đó là an toàn hay không. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng blockchain có thể phát triển được các tính năng, công cụ để định giá thông tin, kiểm soát chéo, lưu trữ, bảo mật tốt hơn. Tại Việt Nam, hiện tại một số ứng dụng đã đạt được sự chín muồi và tính ứng dụng cao như TraceVerified là đủ các công cụ, chức năng để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

- Ông Vương Quang Long (TomoChain): Để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần giải quyết một trong những vấn đề nổi cộm là sự minh bạch về thông tin.

Mới đây TomoChain đã hợp tác cùng Binkabi một công ty ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc trao đổi các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch hoá thông tin, kèm theo đó là giảm thiểu tối đa chi phí trung gian khi tiến hành các giao dịch. Nhiệm vụ của TomoChain triển khai giải pháp công nghệ trên nền tảng Blockchain cho phép các giao dịch diễn ra một cách nhanh chóng, đáp ứng được lượng giao dịch lớn và vẫn đảm bảo được tính an toàn và minh bạch.

- Ông Vũ Trường Ca (Lina Network): Vì tính chất nổi bật nhất của blockchain là minh bạch, bất biến không thể thay đổi nên khi áp dụng công nghệ này vào quản trị chuỗi cung ứng thì mọi thông tin của sản phẩm đó luôn được ghi nhận rõ ràng trên hệ thống không thể thay đổi, từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, phân phối cho đến tiêu dùng. Với công nghệ blockchain thì việc khẳng định được sự minh bạch trong quy trình sản xuất cung ứng từ nông trại đến siêu thị hoàn toàn có thể.

Tại Việt Nam có rất nhiều phần mềm quản lý chuỗi cung ứng bằng việc kiểm tra mã vạch ma trận (QR code – mã vạch thế hệ mới). Tuy nhiên các phần mềm này hầu hết chạy trên nền tảng tập trung nghĩa là mọi thông tin có thể bị thay đổi bởi máy chủ trung tâm, dẫn đến việc minh bạch trong việc quản trị chuỗi cung ứng là một dấu hỏi rất lớn.

Nền tảng (giải pháp) của Lina Network được tối ưu hóa bằng thiết kế lai (hybrid), giúp hệ thống Lina Supply Chain đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm trong thời gian thực, với khả năng hiển thị minh bạch, khả năng tối ưu hóa và khả năng truy xuất nguồn gốc.

TBKTSG Online: Việc ứng dụng blockchain vào các bước sản xuất, chứng nhận và chế biến thực phẩm giúp tạo ra tính minh bạch trong một hệ thống không minh bạch và cho phép người tiêu dùng có thể chọn được các nhà cung cấp thực phẩm an toàn. Công nghệ blockchain còn đặc biệt phù hợp với các nhà sản xuất sản phẩm gốc hữu cơ và đã được chứng nhận. Vậy việc ứng dụng này cần bắt đầu ra sao, quy trình như thế nào, có phức tạp hay tốn kém quá đối với nhà sản xuất ở Việt Nam hay không?

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh minh họa: Chí Thịnh.

- Ông Bình Bùi (TraceVerified): Các ứng dụng blockchain trong nông nghiệp hiện nay (tính trên toàn thế giới) mới chỉ ở mức độ rất sơ khai, mang tính thử nghiệm. Internet phải mất 50 năm để có thể sử dụng rộng rãi như ngày nay, thì cũng phải cần khoảng một nửa thời gian đó để blockchain được ứng dụng rộng rãi.

Blockchain không phải là một công cụ phù hợp với sản xuất hữu cơ mà do sản xuất hữu cơ có giá bán cao nên cần tăng cường kiểm soát và giữ uy tín cao. Do đó, nếu có ứng dụng blockchain để có thông tin chính xác hơn là đúng. Nhưng cũng cần phải nói thêm, về sản xuất hữu cơ, quan trọng là kiểm soát quá trình không sử dụng phân, thuốc hóa học trong sản xuất thì blockchain cũng không phải là một cái cổng gác ngăn người sản xuất không sử dụng. Sản xuất hữu cơ cũng rất khó để xác định chính xác sản lượng, nên cũng là một điểm rất khó để có dữ liệu chính xác khi ứng dụng blockchain.

Để ứng dụng blockchain, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các thiết bị có kết nối Internet (IoT) dùng cho việc nhập liệu tự động và phải xác định được rõ các nguyên tắc, quyền hạn, trách nhiệm trong cung cấp, sử dụng thông tin (là tính năng trong smartcontract (hợp đồng thông minh) của blockchain) để tăng mức độ chính xác của thông tin và có thể định giá được thông tin. Như vậy, để áp dụng blockchain, đầu tiên cần có một quy trình sản xuất chính xác, tăng cường sự hỗ trợ của các thiết bị nhập liệu tự động. Độ phức tạp và tốn kém là do thiết lập quy trình và chi phí cho các thiết bị IoT trong sản xuất. Hiện tại, công nghệ blockchain chưa đạt tới mức độ ứng dụng nên chưa thể nói đến chi phí cụ thể.

- Ông Vương Quang Long (TomoChain): Dữ liệu trong blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời. Vì vậy, có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu. Các nhà sản xuất cần có ứng dụng của riêng mình để có thể tận dụng nền tảng công nghệ blockchain một cách hữu hiệu nhất.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc tạo ra một ứng dụng như vậy không còn quá tốn kém và hoàn toàn có thể thực hiện được với quy mô và trình độ của các công ty ở Việt Nam. Lợi thế cho thị trường Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ lớn với chi phí rẻ, sẵn sàng tham gia đào tạo và làm việc trong ngành công nghệ blockchain.

- Ông Vũ Trường Ca (Lina Network): Việc ứng dụng blockchain vào chuỗi cung ứng có thể áp dụng được với tất cả các doanh nghiệp có quy trình sản xuất chuẩn, đạt chứng chỉ chất lượng theo ngành và có sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt. Lấy ví dụ, khi hợp tác với Lina Network, doanh nghiệp sẽ có cơ hội xây dựng, chuẩn hóa quy trình có sẵn và đưa quy trình lên blockchain tạo sự tin cậy của khách hàng cho nông sản, thực phẩm của họ.

TBKTSG Online: Ngoài vấn đề kinh phí, một trong những khó khăn lớn nhất đối với người nông dân khi sử dụng blockchain là nó vượt qua sự hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ của họ. Trên thực tế, người nông dân tập trung vào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Họ không có kinh nghiệm nhiều về việc ứng dụng công nghệ, vậy các nhà phát triển ứng dụng blockchain sẽ phải làm sao để thuyết phục nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất và bán hàng?

- Ông Bình Bùi (TraceVerified): Trươc khi nói đến việc nông dân ứng dụng blockchain, cần phải nói về thông tin trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Người tiêu dùng trước giờ mua sản phẩm tin vào người bán và cần ít thông tin. Nay do sự mất an toàn, thiếu tin tưởng người bán thì họ cần nhiều thông tin để biết sản phẩm đó đến từ đâu, ai sản xuất, có an toàn không. Người nông dân trước giờ chỉ tập trung và sản xuất sản phẩm thì nay cần thêm gói thông tin để gia tăng giá trị sản phẩm của mình. Ứng dụng công nghệ sẽ nhằm giúp nông dân gia tăng thông tin, từ đó gia tăng giá bán. Blockchain sẽ giúp định giá thông tin để đưa được các thông tin giá trị hơn tới người tiêu dùng.

Đúng là nông dân Việt Nam chưa có thói quen trong ghi chép nhật ký sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm để gia tăng giá trị. Sự phát triển của công nghệ sẽ ngày càng hỗ trợ nông dân tốt hơn. Ví dự như với ứng dụng TraceFARM hiện nay, người nông dân thay vì phải ghi chép sẽ chỉ cần chụp ảnh và phần mềm sẽ tự động lữu trữ thời gian, địa điểm sản xuất.

- Ông Nguyễn Việt Thắng (Sao Bắc Đẩu Hitek): Nhu cầu từ thực tiễn và việc áp dụng blockchain mang đến 2 câu hỏi có tính tương tác. Thứ nhất, người nông dân Việt Nam sẵn sàng cho việc minh bạch trong trồng trọt, sản xuất, nuôi trồng hay chưa. Thứ hai, những quy định quốc tế về an toàn thực phẩm khi người nông dân xuất khẩu sản phẩm của họ và bài toán chi phí - giá thành. Hai câu hỏi này sẽ mang đến tính thực tiễn của việc ứng dụng blockchain trong sản xuất nông nghiệp. Và nhà cung cấp giải pháp công nghệ phải phục vụ đúng và đủ 2 yêu cầu nói trên của người nông dân thì mới thuyết phục được họ ứng dụng blockchain.
 

Giải pháp công nghệ sẽ góp phần giải bài toán về chi phí, năng suất và chất lượng sản phẩm cho người nông dân. Ảnh minh họa: qdnd.vn

- Ông Vương Quang Long (TomoChain): Công nghệ blockchain đóng vai trò nền tảng cho các giao dịch được thực hiện, chính vì vậy, người tiêu dùng không trực tiếp “tiếp xúc" với công nghệ này mà thông qua các ứng dụng của các bên liên quan. Mức độ thân thiện của các ứng dụng này sẽ quyết định việc liệu người nông dân có thể sử dụng nó một cách dễ dàng hay không. Vấn đề của các nhà phát triển công nghệ blockchain hiện nay là cải thiện quy trình áp dụng đi kèm với đó là mang công nghệ blockchain đến với nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực hơn trên thực tế.

- Ông Vũ Trường Ca (Lina Network): Giống như truyền hình, Internet phải mất đến 50 năm mới phổ biến. Một sản phẩm khoa học nào cũng cần có thời gian để chạy thử nghiệm và hoàn thiện. Việc áp dụng blockchain tới tận tay người nông dân “chân lấm, tay bùn” quả là một thách thức lớn với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ như thế nào thì vẫn phải có những người nông dân tập trung vào kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt theo quy chuẩn thì doanh nghiệp sản xuất mới có thể tự tin hợp tác cùng nhau phát triển đưa sản phẩm lên blockchain. Dần dần, khi công nghệ đã phổ biến thì chính những người nông dân sẽ tự chuẩn hóa quy trình của chính mình và đưa lên blockchain.

TBKTSG Online: Vấn đề đặt ra cho hệ sinh thái trên nền tảng blockchain là phải đơn giản và dễ sử dụng. Vậy, là một doanh nghiệp đang phát triển ứng dụng blockchain, công ty đã làm gì để làm cho blockchain sử dụng đơn giản hơn với người nông dân?

- Ông Bình Bùi (TraceVerified): Hệ sinh thái trên nền tảng blockchain sẽ là rất đơn giản để sử dụng khi có ngày càng có nhiều hơn các thiết bị IoT trên đồng ruộng. Khi đó, dữ liệu sẽ được đưa vào hệ thống một cách tự động để tránh sự can thiệp của con người. Nếu ứng dụng nhiều hơn nữa các thiết bị IoT thì dữ liệu sẽ tự động ghi chép và người nông dân sẽ chỉ cần làm đúng các quy trình nông nghiệp sẽ cho ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thế nhưng, theo tôi, khó khăn lớn nhất trong ngành nông nghiệp là sự tác động của thời tiết, dịch hại làm cho sản lượng thay đổi so với kế hoạch. Đây chính là cản trở với ngành nông nghiệp để ứng dụng blockchain trong định giá thông tin và gia tăng giá trị sản phẩm.

- Ông Nguyễn Việt Thắng (Sao Bắc Đẩu Hitek): Chúng tôi xây dựng các ứng dụng blockchain trên nguyên tắc tạo sự bình đẳng trong tập dữ liệu khách hàng, xây dựng trên cấu trúc dữ liệu có tính phân tán, hướng đến sự minh bạch trong từng điểm kết nối. Khi hình thành như vậy, toàn bộ hệ sinh thái từ thiết bị IoT, dữ liệu thông tin (Big Data), công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI)... đều được vận hành chung trên nguyên tắc và nguyên lý nói trên.

Minh bạch thông tin về nông sản, thực phẩm cũng là cách giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào chất lượng của chúng. Ảnh minh họa: qtsc.vn


- Ông Vương Quang Long (TomoChain): Thực tế, người nông dân không làm việc trực tiếp với công nghệ blockchain mà là các kỹ sư công nghệ. Vì vậy, ứng dụng mà người nông dân dùng để cập nhật thông tin sẽ được xây dựng bởi các kỹ sư công nghệ và đội ngũ này có nhiệm vụ đảm bảo tính hữu dụng, thân thiện với người sử dụng và thu thập được đầy đủ thông tin của người sử dụng.

- Ông Vũ Trường Ca (Lina Network): Thực tế hiện nay, cụm từ “nông nghiệp 4.0” có vẻ đang quá sức đối với người nông dân. Tuy nhiên ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Lâm Đồng, có thể thấy rất nhiều nông dân đã bắt nhịp được với xu thế sản xuất hiện đại qua việc ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ vào nông nghiệp, ví dụ như bộ cảm biến, có thể tự động điều chỉnh và xử lý nhiệt độ trong phòng kính trồng rau, hoa quả. Nên việc ứng dụng blockchain vào chuỗi cung ứng tới tay người nông dân trong tương lai hoàn toàn có thể.

Công ty chúng tôi thường xuyên mở các lớp hướng dẫn, nâng cao kiến thức về áp dụng công nghệ tại nông trại cho bà con nông dân. Việc này cũng giúp chúng tôi hiểu về những mong muốn, kỳ vọng của người nông dân và từ đó thiết kế ứng dụng của mình phù hợp nhất với từng hệ thống nông trại, dù nhỏ lẻ.

TBKTSG Online: Xin cảm ơn sự tham gia của các vị chuyên gia.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn