Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: VEPR kiến nghị xóa bỏ đặc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Nhiều chuyên gia kiến nghị nên xoá bỏ độc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vì cơ quan này không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gạo.

 

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn, thay vì bảo vệ đông đảo doanh nghiệp tư nhân. Điều này thể hiện qua rào cản trong việc gia nhập VFA là điều kiện “phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ”.

Theo VEPR, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA.

Như vậy, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, dù VFA có tên là Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gạo.

“Thực tế VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp nhà nước, thay vì đông đảo doanh nghiệp tư nhân, thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung. Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước”, ông Thành nói.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ của VFA với Nhà nước ở hai cấp độ Trung ương và địa phương về các khía cạnh trao quyền và phân quyền. Chính quyền Trung ương đã trao quyền lực ngày càng lớn cho VFA, đặc biệt là khi lúa gạo nội địa dư thừa và xuất khẩu gạo trở nên quan trọng.

Xung đột về mặt lợi ích giữa chính quyền địa phương và VFA được thể hiện thông qua chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo: VFA nắm quyền phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung (G2G), nhưng trách nhiệm thu mua, tạm trữ lại được giao cho doanh nghiệp và địa phương. Như vậy, doanh nghiệp và chính quyền địa phương không được chủ động đầu ra, nắm toàn bộ rủi ro của quá trình thu mua-tạm trữ, gánh trách nhiệm xã hội đối với sinh kế của nông dân, nhưng lợi ích kinh tế về thị trường lại nằm trong tay VFA.

Đề cập đến đặc quyền của doanh nghiệp khi tham gia VFA, ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp chưa gia nhập VFA thì “kêu gào” đổi mới, nhưng khi gia nhập vào VFA thì lại ra sức bảo vệ chính sách bảo hộ.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời đại kinh tế thị trường thì những yếu kém của ngành lúa gạo bộc lộ ngày càng rõ, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh còn nhiều vấn đề.

Ông Thịnh cho biết, trong quá khứ VFA cũng có nhiều thành tích, dẫn dắt ngành lúa gạo đi ra nước ngoài trong lúc các thành phần khác còn hạn chế. Tuy nhiên, vai trò này đã thay đổi. Nhà nước đang muốn giảm dần vai trò của các tổng công ty nhà nước, mặt khác các doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên năng động, đi đầu trong ngành lúa gạo.

Do đó, ông Thành (VEPR) kiến nghị, trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ đặc quyền mà VFA đang được trao theo Nghị định.

Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Phân vai rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và hiệp hội.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn