Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

SỰ KIỆN: Xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm Vùng ĐBSCL

Ngành công nghiệp thực phẩm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhận định còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết, một trong những nguyên nhân là do lĩnh vực sản xuất, chế biến, nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vẫn chưa được đầu tư tương xứng.

Vấn đề nêu trên được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL diễn ra ngày 12-12-2017 tại TP Cần Thơ, do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện ĐBSCL thu hút được 1.411 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí hơn 20 tỷ USD. Trong đó, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 65% còn lại là liên doanh, hợp đồng BOT, BT, hợp tác kinh doanh.

Ông Phú cho rằng: “Hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại của ĐBSCL được lãnh đạo các tỉnh thành đặc biệt quan tâm, tuy nhiên vẫn còn hạn chế nhất định như tính liên kết chưa thật sự đi vào chiều sâu, tính hiệu quả chưa cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Giai đoạn 2017 - 2020, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư vì vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: ĐBSCL được xem là một vùng nguyên liệu quan trọng cho thực phẩm của Việt Nam. Hiện nay, nghành thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, góp phần tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Để duy trì tốc độ phát triển nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp thực phẩm một cách bền vững, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam – Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết: ĐBSCL có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn 40% sản lượng toàn quốc, trong đó lúa chiếm 56% của cả nước; Xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm; Thuỷ sản 3,62 triệu tấn chiếm 57% của cả nước và có hơn 300 nghìn ha rau quả và trái cây từ đó hình thành một số chuỗi giá trị xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ông Lam cũng cho biết, ngành thực phẩm đang được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó ngành nông nghiệp làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm là chủ đạo. Tuy nhiên, theo ông Lam, mặc dù có lợi thế là vùng nguyên liệu lớn nhưng ĐBSCL vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi còn thiếu định hướng trong quy hoạch phát triển ngành lương thực, thực phẩm cấp địa phương; thiếu doanh nghiệp đủ tầm trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm; thiếu các tổ chức đánh giá, tổng hợp để tham mưu chính sách.

Tại đây, các đại biểu tham gia 2 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề gồm: Chính sách và tiềm năng thu hút đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng và lợi thế vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ để đẩy mạnh liên kết chuổi giá trị và nhu cầu đầu tư ngành thực phẩm của các nhà đầu tư dựa trên lợi thế sẵn có của vùng cũng như được giới thiệu những tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL trong các lĩnh vực như:  Sản xuất, công nghiệp chế biến, thương mại thực phẩm…

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình cho rằng, ĐBSCL là nơi rất trù phú, rất có tiềm lực. Lúa sản xuất ra không đủ để bán chứng tỏ ĐBSCL không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo nhưng lại thiếu cái người ta cần và thừa cái người ta không mua.

Còn ông John G Keogh - Chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu cho rằng, cốt lõi của việc nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL cần thể hiện ở tính minh bạch trong sản xuất và chế biến. Ngay cả người Việt Nam hiện cũng chưa hoàn toàn tin tưởng sản phẩm chế biến ở trong nước nên phải quay sang sử dụng hàng nhập khẩu, điều này cũng không nên trách họ, bởi thông tin về tính minh bạch vẫn còn chưa được đầy đủ.

 

Mr. John G Keogh – Chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu Công ty Bluewave Advisory

Mr. Vo Sang Xuan Vinh, Phó Giám đốc Công ty Bluewave Advisory

Tại phiên thảo luận, ông Võ Sáng Xuân Vinh, Phó giám đốc Bluewave Advisory cho biết, “khẩu vị” của nhà đầu tư khi đầu tư vào chuỗi thực phẩm, họ luôn quan tâm tới các doanh nghiệp có mô hình tài chính tốt, tức hoạt động kinh doanh hiệu quả và đặc biệt phải nằm trong những khâu có giá trị gia tăng cao nhất.

“Lĩnh vực chế biến thực phẩm ở ĐBSCL có nằm trong sự quan tâm của các nhà đầu tư?”, trả lời câu hỏi này của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, ông Vinh cho rằng, các nhà đầu tư quan tâm tới những doanh nghiệp chế biến có thương hiệu và có khả năng xuất khẩu cũng như đưa vào hệ thống phân phối thị trường trong nước với một thương hiệu được chứng nhận bởi quốc tế. “Những doanh nghiệp có được những yếu tố đó, thì các nhà đầu tư sẽ rất quan tâm”, ông nhấn mạnh./.

Nguồn: http://www.vietrade.gov.vn