Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Nhà đầu tư lạc quan về M&A trong các năm tới

Mặc dù vẫn còn nhiều rào cản cần gỡ bỏ để hỗ trợ cho các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam nhưng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia đều có chung nhận định về tiềm năng tăng trưởng cao trong lĩnh vực này trong những năm tới.

Nhận định tích cực trên được thể hiện tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra chiều 10-8 tại TPHCM. Khoảng 20 diễn giả và hơn 400 lãnh đạo cao cấp từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức, tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia thảo luận tại sự kiện.

Thông tin lạc quan

Từ năm 2014 đến nay, thị trường M&A trong nước đã xuất hiện nhiều giao dịch giá trị lớn, năm sau cao hơn năm trước và lập đỉnh vào năm ngoái khi tổng giá trị các giao dịch đạt 5,82 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, số lượng lẫn giá trị thương vụ M&A có dấu hiệu chậm lại và vắng bóng các thương vụ có giá trị lớn.

Tuy nhiên tại diễn đàn, nhiều ý kiến đều cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và tăng trưởng cao, có thể lập đỉnh mới vào những năm tới.

Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, ông Jeffrey Pirie, người có kinh nghiệm 28 năm trong lĩnh vực M&A cho rằng, M&A có thể là nhân tố quan trọng thúc đẩy cơ cấu và cả chất lượng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, với hơn 5,8 tỉ đô la Mỹ giá trị giao dịch vào năm ngoái, dù khá nhỏ so với tổng giá trị các thương vụ tại Đông Nam Á (khoảng 115 tỉ đô la Mỹ), nhưng so với dân số cũng như tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam thì đây là con số rất ấn tượng. Ông tin rằng sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tăng về giá trị cũng như số lượng các thương vụ M&A trong thời gian tới ở thị trường trong nước.

“Xu hướng sắp tới, nội bộ các nước ở khu vực châu Á sẽ tự thực hiện M&A lẫn nhau như Singapore, Thái Lan,...Ngoài ra, xu thế số hóa là yếu tố quan trọng cho M&A Việt Nam", ông Pirie nhận định. Ông cho rằng "Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt doanh số tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới".

Càng có nhiều thương vụ M&A thì sẽ càng có nhiều câu chuyện thành công và càng tốt cho nền kinh tế. "Đây chắc chắn sẽ là chất xúc tác, nhân tố quan trọng cho sự thay đổi ngày càng quan trọng cho Việt Nam", ông Pirie nói. Doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phải tham gia cuộc cạnh tranh bình đẳng và minh bạch hơn...

Cũng đưa ra nhận định rất tích cực cho giao dịch M&A trong những năm tới, ông Seek Yee Chung, Luật sư, Công ty Luật Baker & MCKenzie, nêu nhiều yếu tố thuận lợi cho Việt Nam từ chính sự cải cách của mình. “Chúng tôi đang nhìn thấy những đột phá của thị trường từ đột phá về môi trường pháp lý. Và một khi nhà đầu tư tiên liệu được pháp lý thì họ sẽ đầu tư”, ông Chung chia sẻ

Theo ông, những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt của Việt Nam tạo cơ hội kinh doanh, thúc đẩy phát triển, nhất là mở rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là các chính sách mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp.

Không chỉ giới phân tích mà ngay cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng có nhận định tốt về thị trường trong thời gian tới. Ông Eric Solberg, Tổng giám đốc EXS Capital, cho rằng dù giao dịch M&A còn nhiều thăng trầm nhưng xu hướng chung là sẽ đi lên. Ông dự báo rằng giao dịch M&A ở Việt Nam sẽ tăng trưởng 2-3 lần trong vòng 5 năm tới.

Tương tự, bà Nguyễn Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước, cho rằng M&A sẽ còn sôi động nhiều hơn nữa vì đây là công cụ hữu hiệu để các công ty Việt Nam như Tiến Phước tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Danny Le, Giám đốc cấp cao Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Masan, cho rằng nhiều vốn tài sản sẽ được triển khai trên toàn cầu để đáp ứng chu kỳ tăng trưởng, và Việt Nam có nhiều lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt trong thực phẩm, hàng tiêu dùng, nông sản....

Cần tháo gỡ những rào cản

Tại diễn đàn, có không ít ý kiến quan ngại khi cho rằng một số thủ tục, quy định không phù hợp sẽ cản trở nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các giao dịch M&A. Cụ thể, ông Seek Yee Chung chỉ ra rằng quy định chuyển tiền trước rồi mới điều chỉnh thay đổi pháp nhân yêu cầu nhà đầu tư mua lại cổ phần của một cá nhân trong doanh nghiệp phải chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp thay vì tài khoản của người sở hữu cổ phần... là những lo ngại của nhà đầu tư hiện nay.

Theo ông Chung, một số yêu cầu với nhà đầu tư lại quay trở lại như chính sách những năm trước đây và gây khó khăn cho họ. Đó là yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải có giấy phép thực hiện các hoạt động dịch vụ, yêu cầu liên quan đến một số ngành nghề như năng lượng… Ông Chung kiến nghị Việt Nam cần mở rộng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài theo đúng cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các nhà đầu tư còn nêu ra khó khăn rằng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định sẽ bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.

Doanh nghiệp Việt Nam còn yếu cũng được xem là trở ngại cho các nhà đầu tư muốn tham gia giao dịch. Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối và thoái từng phần; các công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp hoặc muốn nắm giữ cổ phần chí phối. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động điều hành kinh doanh.

Việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn với các nhà đầu tư hiện nay. Đáng chý ý là việc báo cáo tài chính và công bố thông tin của doanh nghiệp trong nước chưa minh bạch, ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại.

Các ý kiến còn chỉ ra rằng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước ít có sự chuẩn bị đầy đủ trước giao dịch để giải quyết các vấn đề liên quan; thông tin kém và thiếu nhất quán, không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn kế toán, các quy định về thuế và các yêu cầu pháp lý, cũng như quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý người nước ngoài hay đa số các doanh nghiệp Việt nam vẫn kỳ vọng bán được với giá cao, khi gặp đối tác nước ngoài… cũng là một trong những yếu tố cán trở đến M&A tại Việt nam do hai bên không thống nhất được giá.

Hoạt động M&A trong 6 tháng đầu năm nay ghi nhận sự suy giảm về số lượng giao dịch, nhưng theo các diễn giả thì điều này không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư ngoại giảm sự quan tâm thị trường Việt Nam. Một trong những lý do có thể nhà đầu tư thiếu các nguồn hàng đủ quy mô, chất lượng và quá trình giao dịch M&A ở Việt Nam hiện còn bị kéo dài và thiếu hiệu quả.

Tiếp tục thay đổi để hỗ trợ nhà đầu tư

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những vướng mắc nhà đầu tư, doanh nghiệp đang gặp phải, có nguyên nhân từ đặc thù của kinh tế Việt Nam, đó là nền kinh tế đang chuyển đổi, cần một quá trình và độ trễ để tiếp cận với thông lệ tốt của thế giới.

Ông Dũng nói Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và do đó, luật pháp đang hướng tới điều này. "Tất cả dòng đầu tư chỉ chảy về vùng trũng... Việc tạo ra vùng trũng đó là công việc của Chính phủ, đang làm”, ông khẳng định.

Ông Dũng nói thêm rằng còn có những chính sách chưa làm được hoặc làm chưa tới, nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi để doanh nghiệp và nhà đầu tư là đối tượng để Chính phủ phục vụ.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Chính phủ và các bộ ngành đang tiếp tục rà soát hủy bỏ những điều kiện không còn phù hợp hay không thích ứng với quá trình phát triển hiện nay. Ông nói Việt Nam đang phấn đấu vào Top ASEAN 4 (1 trong 4 nước có môi trường đầu tư tích cực trong khu vực ASEAN).

Liên quan đến nguồn hàng M&A còn hạn chế, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, cho biết có hai nguồn hàng dồi dào cho thị trường M&A. Đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần. Ông cho biết sắp tới sẽ công bố những công ty mà Chính phủ muốn thoái vốn năm 2017 và mức thoái vốn cụ thể như Vinamilk, Sabeco, Habeco,...

Ngoài ra, theo ông Tiến, Chính phủ sẽ sửa đổi nhanh các quy định, mở cửa lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp để các công ty tư vấn nước ngoài vào.

Trong khi đó, ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM cho biết, để thúc đẩy thu hút vốn ngoại, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đang kiến nghị nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Hiện ủy ban này đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thuận tiện nhất.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn