Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Lương tối thiểu sẽ khó tăng mạnh trong những năm tới

Việc tăng mạnh lương tối thiểu vùng trong các năm trước đã gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, song tốc độ tăng trong những năm tới sẽ chậm lại vì hiện mức lương này đã gần sát với mức sống tối thiểu.

Trao đổi với TBKTSG Online sau khi kết thúc buổi họp báo tăng lương tối thiểu 2018 ngày 7-8, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho hay, những năm trước, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng rất cao. Trừ năm 2017, tốc độ tăng lương tối thiểu những năm còn lại đều từ 2 con số.

Năm 2017 tốc độ tăng lương tối thiểu đã thấp hơn, còn 7,3%; năm 2018, tốc độ tăng lương tối thiểu dự kiến là 6,5%. Với mức tăng này, lương tối thiểu đã dần tiệm cận mức sống tối thiểu, đáp ứng khoảng 92-96% mức sống tối thiểu. Thực tế trên thế giới, rất ít quốc gia có thể đạt được mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Canada.

“Do đó, những năm tiếp theo, tốc độ tăng lương sẽ không còn cao như những năm trước nữa”, bà Minh nói.

Giải thích về mức tăng lương tối thiểu, bà Minh cho hay, theo Nghị quyết của Quốc hội, tốc độ trượt giá năm nay khoảng 4-4,5% và tăng năng suất lao động khoảng hơn 1%. Như vậy, với tăng trưởng kinh tế khoảng 6% thì mức tăng lương tối thiểu bình quân 6,5% vẫn đủ để bù đắp trượt giá, tăng năng suất lao động và một phần để người lao động nâng dần mức sống.

Tuy nhiên, bà Minh cũng thừa nhận, tốc độ tăng lương tối thiểu 6,5% này là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thuỷ sản, chế biến gỗ, điện tử….Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tiết giảm các chi phí khác.

Theo tính toán của Hội đồng tiền lương quốc gia, tổng chi phí trong doanh nghiệp là 100% thì chi phí dành cho lao động chiếm 8-10%, còn lại 90-92% là cho các chi phí khác. Do đó, tiết kiệm phần chi phí khác sẽ giúp doanh nghiệp xoay xở với việc tăng chi phí chung khi tăng lương tối thiểu.

Với mức tăng lương tối thiểu mới, theo bà Minh, lương thực nhận của người lao động có thể tăng ở mức thấp nhưng họ lại được tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đặc biệt, việc tăng đóng BHXH sẽ giúp người lao động tích luỹ khi về hưu, giảm trợ cấp xã hội cho Chính phủ.

Sẽ hướng tới chính sách tiền lương quốc gia

Bà Minh cho biết, lương tối thiểu là mức sàn để chủ sử dụng lao động đảm bảo cho người lao động đủ chi phí sinh hoạt tối thiểu và tái sản xuất. Do đó, lương tối thiểu chỉ nhằm bảo vệ lao động yếu thế trong cơ chế thị trường mà thôi.

Tuy nhiên, lương thường ít được đề cập tới là lương trung bình. Mức lương này phụ thuộc vào khả năng thương lượng giữa các bên và phụ thuộc vào năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhu cầu công việc... Do đó, đích phấn đấu của Chính phủ phải là tăng mức lương trung bình để giúp cải thiện đời sống người lao động nói chung.

Trên thế giới, phần lớn lương tối thiểu chiếm khoảng 40-60% tiền lương trung bình và khoảng trống còn lại là để người lao động và doanh nghiệp thương lượng. Nếu thương lượng tốt thì lương trung bình cao hơn, đời sống người lao động được cải thiện.

Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% của năm 2018, theo bà Minh, tính trung bình lương tối thiểu chiếm khoảng 57-58% mức lương trung bình, tức ở mức trung bình cao so với thế giới. Do đó, xu hướng sắp tới mức lương tối thiểu sẽ tăng nhưng tốc độ tăng sẽ giảm dần.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ hướng tới chính sách tiền lương quốc gia chứ không hẳn là tiền lương tối thiểu nhằm thúc đẩy năng suất để có mức tiền lương trung bình cao hơn. Tiền lương quốc gia này phải phù hợp với chỉ số khác như đầu tư, tăng trưởng, chính sách giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng; chính sách việc làm.

Đơn vị: Đồng

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn