Nhiều địa phương miền Trung và Tây Nguyên thời gian gần đây đã loại hàng loạt thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch do chủ đầu tư chậm triển khai hoặc lo ngại tác động xấu tới môi trường và xâm hại diện tích đất rừng.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Đắk Lắk sau khi rà soát đã loại 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất gần 28 Megawatt (MW)) và 69 vị trí thủy điện tiềm năng (tổng công suất gần 120 MW) ra khỏi quy hoạch.
Ngoài ra, địa phương này cũng dừng xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ Đrăng Phôk công suất 10 MW vì lo ảnh hưởng đến 60 héc ta đất rừng đặc dụng vườn quốc gia bị chuyển mục đích sử dụng.
Hầu hết các dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch đều nằm trên diện tích đất rừng nên quá trình xây dựng thủy điện nhiều khả năng xâm phạm nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái địa phương.
Đắk Lắk đang là địa phương có nhiều dự án thủy điện với khoảng 25 dự án đang hoạt động và nhiều dự án khác đang trong quá trình thẩm định cấp phép.
Trong khi đó, một địa phương khác là Lâm Đồng cũng đã có động thái siết lại việc cấp phép dự án thủy điện trong thời gian gần đây.
Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Lâm Đồng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng mới đây cho thấy, trong số 57 dự án đã được quy hoạch trước đây thì sau khi rà soát, địa phương này cũng đã quyết định loại 28 dự
Tính đến cuối năm 2016, thống kê cho thấy các địa phương trên cả nước đã loại khỏi quy hoạch 684 dự án thủy điện, trong đó có 8 dự án thủy điện bậc thang, 463 dự án thủy điện nhỏ và 213 dự án không đưa vào diện xem xét quy hoạch và thu hồi giấy phép 3 dự án khác do nhà đầu tư chậm triển khai.
Đến nay, riêng tỉnh Lâm Đồng đang có hàng chục dự án thủy điện lớn đang hoạt động, cung cấp sản lượng điện lớn cho lưới quốc gia, trong đó có thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận – Đa Mi, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân việc rà soát và loại các dự án thủy điện khỏi quy hoạch là do quan ngại các tác động trực tiếp từ thủy điện đến môi trường sinh thái, làm đất đai và diện tích rừng bị thu hẹp do quy hoạch và xây dựng các hồ chứa, thiết kế xây dựng dẫn điện cũng như xây dựng các hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công công trình.
Tình trạng thủy điện xâm hại tới diện tích rừng là đáng lo ngại trong những năm gần đây. Chẳng hạn tại tỉnh Quảng Ngãi trước đây chỉ triển khai 4 dự án thủy điện mà đã mất gần 250 héc ta đất rừng. Trong một trao đổi với TBKTSG Online trước đây, một lãnh đạo ngành công thương địa phương này từng lo ngại nếu thêm hàng chục dự án thủy điện trong quy hoạch tiếp tục được xây dựng thì sẽ có thêm 997 héc ta rừng bị mất, trong đó có hơn 40 héc ta rừng phòng hộ. Sau khi rà soát, Quảng Ngãi cũng đã đề xuất loại khỏi quy hoạch 10 dự án thủy điện có khả năng làm mất rừng.
Trên phạm vi cả nước, vào tháng 7-2016 Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và các địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện nghiêm về hoạt động đầu tư thủy điện như rà soát, các dự án nếu có tác động đến rừng thì không xem xét cho nghiên cứu đầu tư.
Cần nhắc lại ý kiến chỉ đạo hồi giữa năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên là chấm dứt các dự án thủy điện có xâm hại đến rừng, kiểm tra xử lý cương quyết, thậm chỉ đình chỉ hoạt động các dự án thủy điện chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện việc trồng rừng thay thế, chậm nộp phí dịch vụ môi trường rừng.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn