Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách 9 tháng đã vượt 152.200 tỷ đồng, bằng 59,9% so với dự toán năm.
Việc vay nợ cũng được Chính phủ thực hiện bằng nhiều kênh huy động khác nhau.
Theo Bộ Tài chính, huy động vốn bằng trái phiếu năm nay khá thuận lợi, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Đến hết 30/9, Chính phủ đã huy động được 250.320 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD) trái phiếu, bằng 88,86% so với kế hoạch năm 2016.
Ngoài ra, trong tháng 9 Chính phủ đã ký kết 1 Hiệp định vay mới nước ngoài của Pháp với trị giá 58,4 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, Việt Nam đã ký kết 31 hiệp định vay vốn với tổng trị giá quy đổi khoảng 4,88 tỷ USD.
Như vậy, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD.
Kế hoạch huy động vốn của Chính phủ qua các kênh năm 2016.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, giá trị giải ngân vốn vay nước ngoài đạt khoảng 266 triệu USD (5.834 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đã giải ngân được khoảng 2,5 tỷ USD (55.182 tỷ đồng), chỉ đạt 56% so với kế hoạch năm.
Việc trả nợ cũng được chú trọng trong bối cảnh nợ công tăng cao. Riêng trong tháng 9, Chính phủ đã dành 10.198 tỷ đồng trả nợ. Luỹ kế 9 tháng, tổng giá trị trả nợ là 176.827 tỷ đồng, trong đó nợ trong nước là 140.183 tỷ đồng, nợ nước ngoài là 36.644 tỷ đồng.
Năm 2016, Chính phủ đặt kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD), trong đó gần một nửa là thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại là vay ODA, quỹ bảo hiểm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và trái phiếu quốc tế...
Trước đó, trong giai đoạn 2010-2015, Chính phủ đã vay tổng cộng hơn 846.900 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Tổng số tiền dự kiến trả nợ năm 2016 là 12 tỷ USD.
Nguồn: http://vneconomy.vn/