Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015 vừa công bố Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng, TPHCM tụt xuống thứ 6, Hà Nội tăng 2 bậc, lên số 24.
Sáng 31/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI2015).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc lễ công bố PCI 2015
Theo thang điểm 100, mặc dù số điểm có giảm nhẹ so với năm ngoái (68,87 điểm), nhưng năm nay Đà Nẵng tiếp tục dẫn ngôi đầu ở 68,34 điểm; đứng thứ 2 là Đồng Tháp với 66,39 điểm (tăng nhẹ so với 65,28 điểm năm ngoái); Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 đạt 65,75 điểm (năm ngoái thứ 5); Vĩnh Phúc lên thứ 4 (từ vị trí thứ 6 năm ngoái); Lào Cai tụt xuống đứng thứ 5. TPHCM năm nay rơi xuống đứng thứ 6, còn Hà Nội vươn lên 2 nấc và đứng thứ 24 trong số các tỉnh thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh. Đứng cuối bảng PCI năm 2015 là Đăk Nông đạt 48,96 điểm.
Chưa có đột phá chung về môi trường kinh doanh của Việt Nam
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Bản chất PCI là một công cụ để lắng nghe tiếng nói của khối doanh nghiệp tư nhân, người dân đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương. Năm nay, có chỉ báo quan trọng trong PCI là khối các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tham gia phản hồi khảo sát của PCI ngày càng nhiều (hơn 10.000 doanh nghiệp phản hồi). PCI là một nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý làm căn cứ thúc đẩy các hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương.
“Mỗi lần công bố PCI sẽ có niềm vui và nỗi buồn của các địa phương. Bản thân VCCI cũng hồi hộp đón nhận phản hồi của doanh nghiệp với những phản ánh của họ về công tác điều hành của các cơ quan chính quyền địa phương”- ông Lộc chia sẻ.
Theo ông Lộc, qua PCI cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trông chờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, làm động lực dẫn dắt thúc đẩy phát triển chung của cả nước, đó là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…. Thực tế, “đã có rất nhiều nỗ lực của lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc sáng kiến tìm ra các cải cách hay, cách làm hiệu quả. Bản thân tôi thấy có sự trăn trở, nỗ lực của nhiều lãnh đạo địa phương trong việc nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương mình. Trong nhiều mô hình về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc tìm ra cách làm mới là quan trọng. Theo tôi, có thể đó là kết quả sáng tạo của trí thức địa phương, là sự học hỏi từ nước ngoài. Đã có nhiều mô hình thành công ở địa phương và các địa phương khác có thể học hỏi, nhân rộng. Việc học tập để cải cách phải được xác định là một con đường để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Lộc cho biết: Mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công tại Quảng Ninh, Đà Nẵng… đang phát huy hiệu quả tích cực. Hơn nữa, để đo sự hài lòng trực tiếp của người dân và doanh nghiệp với chính quyền, có địa phương đã lắp đặt hệ thống bấm nút cho người dân đánh giá chính quyền ngay sau khi tiếp xúc với chính quyền.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, “bên cạnh một số đột phá tại một số địa phương, sự thay đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung vẫn còn đang là sự tiệm tiến chứ chưa có đột phá. Hy vọng nước ta sẽ có giai đoạn đột phát về môi trường đầu tư kinh doanh khi Nghị quyết Đại hội Đảng XII đi vào cuộc sống và quá trình hội nhập diễn ra mạnh hơn với nhiều hiệp định FTA…, đặc biệt là TPP được thực thi”.
Còn về xu hướng các năm tiếp theo của PCI, ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh: “Bên cạnh câu hỏi về hài lòng hay không hài lòng của người dân với chính quyền, có thể cần thêm mục để doanh nghiệp hiến kế với các cơ quan nhà nước. Theo tôi, cách này chắc chắn sẽ nhận được nhiều hiến kế đáng giá”.
Hiện đại hóa quản lý hành chính công
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng giữ vị trí quán quân của PCI và đây là lần thứ 6 thành phố này đứng đầu về PCI kể từ khi công bố xếp hạng (PCI 2015 là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam).
Đại diện các tỉnh tốp 5 PCI 2015 nhận chứng nhận.
Báo cáo đánh giá: Trung tâm hành chính tập trung của TP Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức. Năm nay, đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện TTHC của Đà Nẵng đều cải thiện.
Hướng tới việc xây dựng một thành phố thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công, giám sát được hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.
Với Đồng Tháp, Báo cáo này cho rằng, “là một tỉnh nằm ở vị trí khuất nẻo, Đồng Tháp đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục duy trì được phong độ của mình. Đây là năm thứ 8 liên tiếp tỉnh này vào tốp 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước”.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, xem hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân… chứ không phải công cụ quản lý xã hội.
Đáng chú ý nữa, bên cạnh những mô hình như “nụ cười công sở”, “Ngày thứ sau nghe dân nói”…., UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội họp để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn.
Mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch
Là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh đứng ở tốp 5 PCI, năm nay Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ với điểm số cao nhất trong 11 năm xếp hạng PCI.
Quảng Ninh được đánh giá là đã có nhiều đột phá nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, như thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã, gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Quảng Ninh là địa phương đã ban hành và thực hiện Đề án 25, một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá, lựa chọn cán bộ…
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong hợp tác đầu tư công – tư, thúc đẩy sự phát triển đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Theo VCCI, năm nay, Ban tổ chức nhận được sự phản hồi của 10.158 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.823 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 43 quốc gia đang làm ăn tại Việt Nam.
Xuân Thân/VOV.VN
Nguồn: http://vcci.com.vn/