Khi tình trạng bất cân đối trên thị trường tiền tệ không thể tự điều hòa, nâng tỉ giá là lựa chọn khó tránh khỏi.
Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỉ giá chính thức lên 1% vào ngày 7.5. Sự điều chỉnh tỉ giá này là khó tránh khỏi khi tình trạng bất cân đối trên thị trường tiền tệ không thể tự điều hòa.
Cơ chế tỉ giá “thả nổi có điều tiết” chỉ là trên danh nghĩa, thực chất là “neo mềm” tiền đồng vào USD, kết hợp với những can thiệp từ dự trữ ngoại tệ hoặc điều chỉnh tỉ giá. Khi tỉ giá chạm trần, giao dịch giảm và thanh khoản xuống thấp, thị trường xuất hiện kỳ vọng về một động thái can thiệp chính sách.
Đó là những gì đã diễn ra. Thị trường liên ngân hàng bộc lộ sự thiếu hụt thanh khoản ngoại tệ trong hơn 2 tuần cho đến ngày điều chỉnh. Tỉ giá bán ra của nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần của tỉ giá tham chiếu cũ. Việc không có động thái can thiệp từ dự trữ ngoại hối đã gia tăng kỳ vọng của thị trường về phương án điều chỉnh tỉ giá. Giữa các nhận định chỉ có khác biệt về thời điểm.
Thời điểm điều chỉnh đã diễn ra trước dự báo của một số nhà quan sát, dao động từ cuối quý II cho đến đầu quý IV - thời điểm nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng theo mùa vụ.
Dường như xu hướng xấu đi của một số chỉ báo vĩ mô và sức khỏe của khu vực doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã đẩy thời điểm điều chỉnh lên sớm hơn. Tình trạng thâm hụt thương mại trong nửa đầu năm (thâm hụt 2 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm) trong đó có sự suy giảm tại khu vực doanh nghiệp trong nước là đáng chú ý.
Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 15,3 tỉ USD, giảm 2% so với mức tăng 9% cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu từ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê và thủy sản giảm thu, do giá thế giới giảm và nhu cầu yếu.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước cảm nhận năng lực cạnh tranh suy giảm bởi sự tăng giá của USD so với các ngoại tệ khác. Do được “neo”, tiền đồng không trượt giá so với USD như các ngoại tệ của các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Các hợp đồng chủ yếu được thực hiện qua đồng USD nên hàng xuất khẩu trở nên đắt lên. Với cơ cấu chi phí có tỉ lệ nhập khẩu không nhỏ (nguyên liệu thủy sản, nguyên liệu may, thuốc bảo vệ thực vật), các doanh nghiệp khó giảm giá bán mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận, vốn đã rất mỏng.
Xu hướng tăng trong nhập khẩu cũng khiến phương án sử dụng dự trữ ngoại tệ trở nên kém hiệu quả. Kim ngạch nhập khẩu các tháng đầu năm đã tăng 20% so với cùng kỳ, dù phần lớn là hàng tư bản và vật tư công nghiệp cho các dây chuyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi xuất khẩu giảm, nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng tới 9%. Điều đó gợi ý rằng đã có sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu không dành cho sản xuất mà cho tiêu dùng, trong đó các mặt hàng có kim ngạch lớn như ôtô hay xăng dầu.
Thực tế cho thấy kim ngạch nhập khẩu ôtô quý I/2015 đã đạt 1,8 tỉ USD, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái do thuế nhập khẩu giảm. Tổng lượng xăng dầu nhập khẩu quý I tăng tới 25% cũng do giá thấp. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng. Điều đó có thể đã thúc đẩy các hợp đồng mua bán kỳ hạn cho tiêu thụ trong nửa sau năm 2015, qua đó gia tăng nhu cầu ngoại tệ.
Sau lần điều chỉnh này, chính sách tiền tệ không có nhiều lựa chọn nếu nhà điều hành vẫn nhất quán bảo vệ tỉ giá. Các biện pháp như bán ngoại tệ từ dự trữ, cố định tỉ giá, nâng lãi suất hay hạn chế nhập khẩu đã từng áp dụng trong quá khứ đều gây ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn so với lợi ích mang lại. Tỉ giá không vượt quá 1,5% cả năm 2014 nhưng dự trữ ngoại hối đã hụt 2,5 tỉ USD chỉ trong quý IV/2014.
Nhà điều hành sẽ đối mặt giữa lựa chọn giữa việc giữ vững cam kết tỉ giá để bảo vệ sự tín nhiệm của thị trường, với một chi phí không nhỏ, hay thay đổi cam kết để điều chỉnh tình trạng mất cân đối vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đã cam kết chỉ tăng tỉ giá 2% trong cả năm (3% nếu tính tới mức trần hiện tại).
Mặt khác, neo tỉ giá không phải là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế đang thực hiện nới lỏng tiền tệ, còn các yếu tố hỗ trợ nền tảng ở trong nước thì không vững. Phản ứng chính sách trong trường hợp này thường là điều chỉnh tỉ giá hoặc giảm lãi suất như đã được thực hiện ở nhiều nước đang phát triển. Nhưng Việt Nam phải xoay xở trong không gian chính sách hẹp, một phần do cam kết giữ tỉ giá. Lãi suất khó giảm thêm khi mà đã xuống mức trước khủng hoảng. Nhu cầu tín dụng của khu vực công và tư nhân thì đang tăng dần. Giảm lãi suất có thể còn thay đổi mối tương quan giữa tiền đồng và USD. Điều đó có thể thúc đẩy xu hướng chuyển đổi tiết kiệm sang USD.
Cán cân thương mại thâm hụt và nhu cầu giữ ngoại tệ gia tăng sẽ làm giảm mức tích lũy dự trữ ngoại tệ quốc gia, hạn chế khả năng can thiệp vào cung ngoại tệ. Hơn nữa, sự trượt giá của các đồng tiền chủ chốt so với USD sẽ còn thúc đẩy nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu. Mức trượt giá 2-3% có thể là quá nhỏ để tạo ảnh hưởng kiềm chế nhập khẩu và kích thích xuất khẩu như kỳ vọng. Do vậy, thị trường có thể nuôi kỳ vọng về các đợt tăng giá trong tương lai.
Ngô Thị Chinh Đức
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn