Quyết định dỡ bỏ hạn mức vốn Nhà nước đã tăng tính hấp dẫn của các dự án PPP.
Theo dự báo, sẽ có làn sóng đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, khoa học... bắt đầu từ hành lang pháp lý mang tên PPP (hợp tác công - tư mà tư nhân được phép cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của nhà nước).
Giải bài toán vốn
Trên thực tế, có nhiều nguồn tài chính cho các dự án theo hình thức PPP chứ không chỉ đến từ 2 đối tác là nhà nước và nhà đầu tư. Tùy vào từng dự án mà nguồn tài chính sẽ đa dạng với quy mô, độ phức tạp khác nhau và lôi kéo sự tham gia của nhiều chủ thể.
Hai công ty tư nhân Tuấn Lộc và Yên Khánh là những thành viên trong nhóm 6 doanh nghiệp vừa trúng thầu Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) với tổng giá trị đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Các thành viên còn lại đầu tư vào dự án này là Công ty Cổ phần Cầu đường CII, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BMT, Công ty Cổ phần Hoàng An và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Thắng Lợi.
Tuấn Lộc và Yên Khánh đều là những công ty phát triển cơ sở hạ tầng được thành lập từ năm 2005. Sau 10 năm hoạt động và phát triển lên quy mô khá lớn (Tuấn Lộc có vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng, Yên Khánh có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng), cả 2 đã âm thầm mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc mua lại phần vốn nhà nước để chi phối các công ty đầu ngành như Cienco 1 và Cienco 4.
Rõ ràng, trường vốn là thế mạnh của các công ty phát triển dự án hạ tầng. Tuy nhiên, với nguồn vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP, các chủ đầu tư có thể huy động ở nhiều nguồn khác nhau.
Chẳng hạn, đó có thể là nguồn góp vốn dưới dạng cổ phần của các nhà bảo trợ dự án và công ty thực hiện dự án; từ các nguồn vay dưới dạng thương mại hay phát hành trái phiếu; hay nguồn tài chính dưới dạng bảo lãnh hoặc thư tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ cũng cam kết gánh bớt rủi ro nên mô hình PPP sẽ hút được nguồn tài chính khổng lồ từ tư nhân.
Ngoài ra, hạn mức phần vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP đã được dỡ bỏ cũng làm tăng tính khả thi và hấp dẫn của dự án.
Trước đây, phần vốn Nhà nước được quy định không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư của dự án BOT, BTO, BT và không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án PPP, trừ trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các dự án khác nhau sẽ cần mức độ hỗ trợ khác nhau. Việc dỡ bỏ hạn mức sẽ cho phép Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ linh hoạt tùy từng dự án để đạt mục tiêu xây dựng được cơ sở hạ tầng với chất lượng và hiệu quả đầu tư cao hơn so với mô hình đầu tư truyền thống, vừa giảm được gánh nặng cho ngân sách công.
Đua nhau khởi động
Với mô hình PPP, nguồn vốn đã được đảm bảo, rủi ro trong đầu tư đã được chia sẻ một cách sòng phẳng giữa các bên trong dự án. Bên cạnh đó, các hình thức hợp đồng đầu tư dự án như BOT, BTO và BT cũng được xem là các dạng của hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP. Tất cả những điều này đã thúc đẩy nhiều dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng khởi động.
Ví dụ, Ban Quản lý An toàn Giao thông vừa đề xuất phương án xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỉ đồng theo mô hình PPP. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, có thể dự án sẽ được khởi công ngay trong năm nay và hoàn thành vào năm 2018. Thời gian hoàn vốn dự kiến trong vòng 21 năm.
Mới đây, siêu dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết cũng được Ban Quản lý Dự án 6 trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án với tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo tính kết nối tốt với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối TP.HCM và các tỉnh phía Nam với Nha Trang. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào quý III/2015 và hoàn thành vào năm 2020.
Bên cạnh đó, theo Đề án phát triển đường cao tốc Việt Nam, nhiều dự án khác đã được khởi động như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dài 205 km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 37.500 tỉ đồng; cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn, dài 150 km, tổng vốn đầu tư khoảng 28.000 tỉ đồng.
Hà Nội và TP.HCM cũng có 4 dự án với tổng mức đầu tư lớn như cao tốc vành đai 4 - Hà Nội có 6 làn xe, dài 136 km, kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên và Bắc Giang, tổng vốn đầu tư 51.874 tỉ đồng; cao tốc vành đai 5 - Hà Nội kết nối Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng; cao tốc vành đai 3 - TP.HCM 6 làn xe, dài 87,4 km, vốn đầu tư 43.000 tỉ đồng; cao tốc vành đai 4 - TP.HCM, dài 152 km, kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tổng mức đầu tư 60.000 tỉ đồng.
Không chỉ ở mảng hạ tầng, đầu tư theo hình thức PPP còn mở rộng sang các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khu kinh tế, khu công nghiệp và đáp ứng công nghệ thông tin...
Đây rõ ràng là những cơ hội cho khu vực tư nhân. Tùy theo mức độ vốn và lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp có thể lựa chọn những mảng, phân đoạn của thị trường để tham gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nhắm đến các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài bởi đây là những đối tác có tiềm lực tài chính mạnh, giúp nâng cao trình độ quản lý và hỗ trợ Việt Nam tiếp thu công nghệ hiện đại.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn