Cuộc tái cấu trúc nợ ở Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành có tín hiệu thành công sau nhiều năm ngập trong khủng hoảng là sự kiện lớn trong năm 2014 đối với những doanh nghiệp vô cùng “khát” vốn này. Nhưng với nền kinh tế, đó là tín hiệu cho thấy bài toán về vốn của các doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ, tất nhiên là dưới sự trợ giúp tích cực và nhiệt tình của các ngân hàng.
Báo cáo kinh tế công bố gần đây của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy triển vọng kinh tế năm nay có vẻ như sáng sủa hơn nhiều so với năm ngoái. Thời điểm đầu năm cũng là lúc doanh nghiệp tính toán cho nhu cầu vốn trong cả năm. Đứng về phía các doanh nghiệp, phải chăng đây là lúc đi vay thích hợp sau giai đoạn ngần ngại về lãi suất cao?
Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp các ngân hàng nỗ lực cắt giảm lãi suất kể từ khi trục trặc trong hệ thống ngân hàng xuất hiện. Theo tổng kết của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trong năm 2014 đã giảm từ 1,5 – 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2013, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Bên cạnh đó, lãi suất của các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh giảm. Năm 2014, tỉ trọng dư nợ có lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm 10,65% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 19,72% trong năm 2013.
Năm 2015, lãi suất tiếp tục được kì vọng sẽ giảm xuống. Theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong Chỉ thị số 01 hồi cuối tháng 1 vừa qua, lãi suất sẽ được tiếp tục được cắt giảm thêm 1-1,5 điểm phần trăm trong năm nay. Mức giảm này là hoàn toàn phù hợp và khả thi, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia kinh tế.
Cần nhớ rằng lãi suất cho vay giảm phụ thuộc phần nhiều vào mặt bằng lãi suất huy động. Tính đến thời điểm này, lãi suất huy động đã giảm về sát mức kì vọng lạm phát trong năm 2015 (khoảng 5%). Điều này hàm ý rằng lãi suất huy động sẽ không còn nhiều dư địa để giảm được nữa. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm được nữa hay không sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể ở mỗi ngân hàng.
Tuy vậy, nhìn chung thì lãi suất ở hầu hết các ngân hàng đều đã giảm và điều này giúp cho các doanh nghiệp dễ thở hơn với bài toán vốn của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp thì mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn khi mà lãi suất vay trung và dài hạn ở quanh mức 10%/năm. Đó là lí do vì sao từ nhiều năm nay, các ngân hàng vẫn luôn mạnh tay với các gói tín dụng kích thích người vay nhưng hiệu quả vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, tình hình năm 2015 hứa hẹn nhiều đổi khác, khi thị trường có những tín hiệu mới tốt hơn.
Ngân hàng sẽ mạnh tay hơn
Đề xuất của Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể nới lên đến mức 17%, cao hơn mức 14% thường thấy trong những năm trước đây. Điều này hàm ý rằng, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, nhất là khi các ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn nhiều.
Sự mạnh tay đã được thể hiện ngay từ đầu năm 2015. Một ví dụ là trong cuộc gặp đầu năm của các ngân hàng ở TP.HCM hồi cuối tháng 1 vừa qua, những con số tăng trưởng tín dụng ấn tượng cho thấy sự gắn kết giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã dần mạnh mẽ hơn.
Hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp ở TP.HCM được thực hiện từ năm 2012, thời điểm mà lãi suất vay rất cao và ngân hàng còn gặp khó khăn về thanh khoản. Nhưng 2 năm trở lại đây, hoạt động kết nối này đã có sự khởi sắc khi thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dần dư thừa. Nếu như năm 2013 có 20 ngân hàng thương mại tham gia cho vay với số vốn kí kết cho vay là gần 1.177 tỉ đồng, thì năm 2014 đã lên đến 40.057 tỉ đồng (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM). Không những vay nợ mới, còn có hơn 218.000 tỉ đồng được các ngân hàng cho vay để cơ cấu lại.
Lãi suất ưu đãi trong những gói vay này cũng giảm rõ rệt, khi ở mức 9 – 12%/năm đã giảm xuống còn mức 7-10% trong năm 2014. Trong năm 2015, dự kiến các ngân hàng sẽ còn tiếp tục mạnh tay hơn trong các gói kích thích tín dụng của mình bằng công cụ lãi suất. Chẳng hạn, như có thể kể đến Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), là một trong nhiều ngân hàng tích cực triển khai chương trình tín dụng ưu đãi vào dịp đầu năm mới. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, ngân hàng này công bố gói 1.000 tỉ đồng hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm.
Nhưng dù tích cực trong hoạt động kích thích cho vay, các chuyên gia cho rằng cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp đi vay vốn vẫn là sự giải ngân thận trọng của các ngân hàng trong bối cảnh ngân hàng bận xử lý nợ xấu trong quá khứ và đề phòng nợ xấu trong tương lai.
Dù vậy, phía cơ quan quản lý cũng đang dần dọn đường để các ngân hàng có thể tăng trưởng rộng rãi hơn. Thứ nhất là việc Ngân hàng Nhà nước buộc các ngân hàng phải dần giảm tỉ lệ nợ xấu của mình về mức 3%, bằng cách thức nào đó như tăng trích lập dự phòng hay đẩy mạnh cho vay, đồng thời lên kế hoạch lớn hơn cho VAMC tiếp tục mua và xử lý phần nợ xấu hiện hữu của các ngân hàng. Bảng cân đối kế toán sạch hơn cho phép ngân hàng cho vay nhiều hơn. Thứ hai là lạm phát duy trì ở mức thấp tiếp tục cho phép nền kinh tế tăng trưởng tín dụng cao, có thể lên đến 17% như định hướng của Ngân hàng Nhà nước .Đây tất nhiên sẽ là tin vui với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và nền kinh tế nói chung.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn