Nhờ đâu các công ty thủy điện lại có một năm 2014 kinh doanh thành công?
Các công ty thủy điện đang vui hơn bao giờ hết khi kết thúc năm 2014 với các con số kinh doanh đầy lạc quan. Vui nhất có lẽ là Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Nam (SHP), khi lãi ròng năm 2014 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2013, cao nhất trong số các công ty thủy điện niêm yết.
Có được kết quả lợi nhuận này là do năm ngoái SHP đã mở rộng doanh thu gấp 3 lần. Ngoài việc các nhà máy cũ hoạt động với công suất cao hơn, Công ty cũng gia tăng được nguồn thu nhờ nhà máy thủy điện Đambri vừa đi vào hoạt động.
Không chỉ SHP mà nhiều công ty thủy điện khác cũng gia tăng doanh thu đáng kể. Thống kê 16 công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện (gồm cả thủy điện và nhiệt điện) cho thấy tổng doanh thu trong năm qua đã tăng đến 125%, trong đó thủy điện có mức tăng trưởng cao hơn.
Có hai yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu là sản lượng và giá bán. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, trong năm 2014 cả hai yếu tố này đều tác động tích cực đến các nhà máy thủy điện; sản lượng cao do nhu cầu tăng lên và giá bán điện cũng được cải thiện.
Thực vậy, giá bán điện là một trong những chất xúc tác chính giúp gia tăng doanh thu của các công ty thủy điện. Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) là một ví dụ. Cuối tháng 12 năm ngoái, VSH đã ký lại hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, VSH được điều chỉnh doanh thu sản xuất điện từ năm 2010 đến năm 2014. Kết quả là Công ty “truy thu” được thêm một khoản doanh thu đáng kể trong quý IV vừa qua. Năm 2014, doanh thu của VSH tăng hơn 95%.
Trường hợp của VSH không phải là hy hữu. Nhiều công ty thủy điện khác cũng đang được lợi nhờ ký lại hợp đồng bán điện cho EVN như Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung (CHP).
Kết quả của việc mở rộng doanh thu là lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tốt. Ở VSH và CHP, lợi nhuận sau thuế lần lượt vượt hơn 75% và 85% kế hoạch đặt ra. Còn tính chung 11 công ty thủy điện niêm yết, lợi nhuận sau thuế tăng 45% so với năm 2013.
Có thể nói 2014 là năm thắng lớn của ngành thủy điện, nhưng triển vọng năm 2015 có vẻ như sáng sủa hơn nhiều. Trong năm này, Bộ Công Thương sẽ ban hành biểu giá mới và áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ có công suất dưới 30 MW. Tuy nhiên, không chỉ thủy điện mà cả các công ty tham gia thị trường điện sẽ còn được hưởng lợi nhờ giá bán điện có xu hướng tăng. Gần đây nhất, giá bán điện chính thức tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16.3.
Cũng cần lưu ý rằng mức giá này dành cho các công ty bán lẻ, không phải cho công ty sản xuất điện. Nhiều công ty đã ký lại giá bán với EVN từ cuối năm ngoái hoặc đầu năm nay, nên trong năm 2015 này, doanh thu dự kiến sẽ ít có đột biến. Mặt khác, ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc VSH, cho biết sẽ khó mà tăng trưởng mạnh vì công suất các nhà máy đã ổn định.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai xa hơn, giá điện bán lẻ tăng đang là yếu tố tích cực cho doanh nghiệp ngành này. “Tất cả các bên tham gia thị trường đều được hưởng lợi, do mức chào giá tăng lên một khoảng nữa”, ông Trung nhận xét.
Điện lực là một ngành rất đặc thù khi điện thương phẩm sản xuất ra phải tiêu thụ ngay chứ không thể để ở dưới dạng “tồn kho”. Ngành điện lực vì thế có một cơ chế đầu giá điện phức tạp với hệ thống riêng.
Năm 2012, Việt Nam bắt đầu thực hiện đấu giá trên thị trường phát điện cạnh tranh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất với một công ty bán buôn. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, năm 2014 có 55 nhà máy tham gia thị trường đấu giá này và dự kiến năm nay sẽ có 77 nhà máy tham gia, chiếm 70% công suất toàn hệ thống.
Trong đó, cơ chế đấu giá điện được tổ chức theo kiểu đấu giá trực tiếp, dựa trên sản lượng phù hợp và mức giá, các công ty chào giá tốt hơn sẽ được ưu tiên mua trước. Ở khía cạnh này, có vẻ như các công ty thủy điện đang được lợi nhiều hơn các công ty nhiệt điện vì chi phí sản xuất thấp hơn. Bằng chứng là tỉ lệ giá vốn hàng bán trên tổng doanh thu của Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Bà Rịa ở quanh mức 90%, trong khi các công ty thủy điện hầu hết ở dưới mức 50%.
2015 được xem là năm bước ngoặt của quá trình phát triển thị trường điện tự do. Ngành điện Việt Nam đã trải qua quá trình phát điện cạnh tranh (nhiều công ty sản xuất tham gia thị trường) và giờ đến lúc hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh (nhiều công ty mua lại điện từ các công ty sản xuất thay vì chỉ mỗi EVN như hiện nay).
Theo đó, đến tháng 6 này, Bộ Công Thương sẽ trình duyệt cụ thể đề án xây dựng thị trường bán buôn cạnh tranh và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm sau. Thị trường có nhiều người bán và nhiều người mua hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. “Lộ trình này là đảm bảo công bằng xã hội”, ông Trung nhận định.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn