NCĐT đưa 10 dự báo quan trọng nhất về diễn biến của nền kinh tế, từ nhận định của các chuyên gia và tổ chức kinh tế, tài chính có uy tín.
2014 khép lại với những chuyển biến rõ nét hơn về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng, tỉ giá ổn định trong khi xuất nhập khẩu tiếp tục gặt hái những thành tựu khả quan. Bước sang năm 2015, để giúp độc giả có được một bức tranh toàn cảnh hơn, NCĐT đưa ra 10 dự báo quan trọng nhất về diễn biến của nền kinh tế. Đây là các nhận định được tổng hợp từ các chuyên gia kinh tế, báo cáo của các tổ chức kinh tế và tài chính có uy tín như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Nhà nước, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, CBRE Việt Nam, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital.
Lần đầu tiên trong 5 năm, tăng trưởng sẽ cao hơn 6%
Sau mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,98% vào năm 2014, Việt Nam bước vào năm 2015 với niềm lạc quan lớn về khả năng tăng trưởng cao hơn. Chính phủ đã đặt mục tiêu GDP tăng 6,2% trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi. Cụ thể, giá dầu rớt mạnh có thể giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó có khả năng kích thích luồng vốn đầu tư và chi tiêu tốt hơn so với năm trước. Các hoạt động kinh tế sôi nổi hơn sẽ giúp xoa dịu nỗi lo của Chính phủ về việc nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ bị sụt giảm.
Trong khi đó, xuất khẩu vẫn là điểm tựa quan trọng của Việt Nam và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm nay.
Môi trường kinh doanh trong năm 2015 được dự báo sẽ có nhiều cải thiện như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Các điều luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bắt đầu phát huy hiệu lực sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn triển khai các ý tưởng đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp
Sau khi suy giảm mạnh trong năm 2014 (lạm phát chỉ ở mức 1,86%, thấp nhất trong 10 năm qua), lạm phát năm nay có thể sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn. Năm 2015, giá một số sản phẩm, dịch vụ căn bản như y tế, điện sẽ tăng lên, nhưng sự giảm giá của các loại hàng hóa toàn cầu cùng một chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng sẽ là bệ đỡ giúp kiểm soát lạm phát. Mục tiêu lạm phát 5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tỉ giá tiếp tục ổn định
2014 là năm tỉ giá rất ổn định. Việc cán cân thương mại thặng dư kỷ lục 2 tỉ USD, lượng kiều hối hơn 11 tỉ USD, lượng vốn giải ngân FDI đã giúp ổn định giá trị tiền đồng. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có một lần duy nhất giảm giá tiền đồng so với đồng USD (chỉ 1%).
Năm nay, ẩn số lãi suất tăng lên ở Mỹ có thể sẽ khiến nhà đầu tư quốc tế cân nhắc rời khỏi Việt Nam, nhưng nhìn chung với nền tảng vĩ mô đang tốt dần lên, Việt Nam hoàn toàn có quyền tin tưởng vào khả năng ổn định của tỉ giá. Ngân hàng Nhà nước đã thông báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách tỉ giá ổn định và biên độ điều chỉnh nếu có chỉ là 2%.
Ngân hàng vẫn gặp khó
Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ vào khoảng 13-15%, cao hơn một chút so với kết quả năm ngoái. Thêm vào đó, Thông tư 36 được ban hành vào cuối năm 2014 đã siết chặt đáng kể các hoạt động kinh doanh của giới ngân hàng trên thị trường chứng khoán, cũng như các khoản đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ. Tất cả sẽ buộc các ngân hàng phải cạnh tranh khắc nghiệt hơn trong năm nay. Họ cũng cần phải tối thiểu hóa chi phí hoạt động cũng như nỗ lực để thu hồi nợ xấu. Theo một đánh giá hồi giữa tháng 11 của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 vào khoảng 5,4% và ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7-4,2%.
Thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn
Thị trường chứng khoán đã có một năm biến động đầy cảm xúc khi có lúc vượt qua cột mốc 640, có lúc lại lùi về mốc đầu năm. Đóng cửa ngày 31.12.2014, chỉ số VN-Index đứng ở mức 545,6 điểm. Tuy vậy, trong năm nay, sự tăng trưởng bền vững hơn của thị trường là điều đáng được mong đợi khi các nền tảng vĩ mô và lợi nhuận của doanh nghiệp được dự báo sẽ tốt hơn.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, năm nay thu nhập của các doanh nghiệp có thể tăng 10-15%. Ông cho rằng những ngành được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2015 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông lâm sản.
Chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ rơi vào khoảng 13 trong năm 2015, thấp hơn so với mặt bằng chung là 15 trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, Việt Nam đang trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn của dòng vốn quốc tế. Ngoài ra, trong năm 2015, chính sách nâng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhiều người kỳ vọng. Nếu được thông qua, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ nhận được cú hích lớn.
Bất động sản nỗ lực phục hồi
Thị trường bất động sản năm ngoái tiếp tục trầm lắng, dù càng về cuối năm, thị trường đã sôi động hơn đáng kể. Trong năm nay, lãi suất thấp sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực đỡ hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Bên cạnh đó, theo ông Marc Townsend, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, năm nay, thị trường còn có nhiều lực đỡ khác như niềm tin được cải thiện, vĩ mô ổn định hơn, tác động từ các hiệp định thương mại, các điều luật mới có liên quan đến bất động sản và xu hướng nhà đầu tư quay trở lại các thị trường cận biên và mới nổi.
Làn sóng IPO của khối doanh nghiệp Nhà nước
Để hoàn thành mục tiêu cổ phần 432 doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm 2015, nhiệm vụ phải thực hiện trong năm nay là vô cùng lớn. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm ngoái cả nước chỉ cổ phần hóa được 115 doanh nghiệp và như vậy còn hơn 300 doanh nghiệp nhà nước buộc phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nay.
Đây là một con số không nhỏ và có lẽ sẽ khó mà hoàn thành được mục tiêu này. Tuy nhiên, chỉ cần Chính phủ tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có giá trị lớn, giảm mạnh tỉ lệ sở hữu nhà nước đã là điều tốt cho nền kinh tế và có thể kích thích sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
M&A sẽ sôi động hơn
2014 là năm chứng kiến sự phục hồi của hoạt động giao dịch M&A ở Việt Nam với giá trị hơn 2,5 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2013. Trong năm nay, xu hướng M&A được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trên nhiều lĩnh vực, giúp tạo ra những đơn vị kinh doanh mạnh hơn, cũng như đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của Việt Nam. Các lĩnh vực sẽ chứng khiến làn sóng M&A mạnh là tài chính, năng lượng, bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, công nghiệp.
Có thể có làn sóng FDI mới
Ngày càng nhiều có dấu hiệu cho thấy các tập đoàn đa quốc gia lớn đang dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế và thương mại lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, với châu Âu, cũng như cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015.
Năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Tổng vốn FDI đăng ký và tăng thêm là 20,23 tỉ USD, vượt 19% kế hoạch năm. Nhiều khả năng con số này sẽ tiếp tục khả quan trong năm nay. Những lĩnh vực có thể thu hút luồng vốn lớn vẫn là dệt may, điện tử, nguyên vật liệu, tiêu dùng.
Tuy vậy, một vấn đề hóc búa là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được dòng vốn đầu tư này, giúp khối doanh nghiệp trong nước tiếp cận được trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài như Samsung, Intel, cũng như cải thiện năng suất lao động. Nếu Việt Nam không khai khác được nguồn lực này để tích lũy cho mình thì trong tương lai xa hơn, một khi dòng vốn này rời đi, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bất ổn bên ngoài sẽ là nỗi lo lớn
Năm 2014 Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thử thách như sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc kéo vào lãnh hải của Việt Nam, các vụ biểu tình chống Trung Quốc đã khiến một số ngành như sản xuất và du lịch chịu thiệt hại nặng. Bước sang năm 2015, Việt Nam có thể vẫn đối mặt với những thách thức tương tự, đặc biệt tại vùng đảo Trường Sa khi Trung Quốc đang gia tăng xây dựng các công trình quân sự tại đây.
Ngoài nguy cơ xung đột về an ninh lãnh thổ, những diễn biến trái chiều ở các đối tác thương mại lớn của Việt nam cũng là điều các doanh nghiệp nên cân nhắc để điều chỉnh chiến lược hoạt động. Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khá tốt, nhưng ở bên kia Đại Tây Dương, khu vực đồng euro đang gặp nguy cơ mới khi Hy Lạp có ý định rời khỏi cộng đồng kinh tế châu Âu này. Nga, quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Việt Nam, đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/