Trái phiếu đôla của Việt Nam đang thách thức quyết định hạ bậc tín nhiệm của Moody's trong lúc nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định nền kinh tế đang cho thấy kết quả, theo hãng tin Bloomberg trong bài đăng tải hôm 11/10
Lợi suất trung bình của trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm xuống mức kỷ lục 4,06% vào ngày 10/10, số liệu từ chỉ số trái phiếu EMBI Global của JPMorgan Chase cho thấy.
Trước đó, cuối tháng Chín, Moody's nói "nguy cơ chính phủ phải gánh gói cứu trợ nhằm tái huy động vốn cho ngân hàng đang tăng." Tuy nhiên vài quỹ đầu tư nước ngoài lại đang muốn giữ nguyên trái phiếu nắm giữ tại Việt Nam, ví dụ như Quỹ Pictet Asset Management và Aberdeen Asset Management.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Wee-Ming Ting, người đứng đầu mảng thu nhập cố định của châu Á tại Pictet, nhận định: "So với một năm trước, diễn biến ở Việt Nam đã có vẻ khá tốt, nhất là ở mảng quản lý vĩ mô." Tuy nhiên ông cũng cho biết rằng tổ chức của ông sẽ "tiếp tục theo dõi diễn biến ở ngành ngân hàng." Quỹ này hiện đang quản lý lượng trái phiếu trên thị trường hội nhập tổng giá trị 23 tỷ đôla.
Moody's hạ bậc tín nhiệm Việt Nam xuống B2, năm bậc dưới mức chuẩn đầu tư gần đây. Tuy nhiên Standard & Poor's (S&P) trong tháng sáu đã nâng bậc Việt Nam lên mức "ổn định" đồng thời bình luận rằng rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã giảm. Trong lúc đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings giữ nguyên bậc tín nhiệm của Việt Nam ở mức B+.
Trái phiếu đôla của Việt Nam đã đem lại cho các nhà đầu tư 26% lợi nhuận trong một năm qua, cao thứ nhì so với 11 chỉ số quốc gia mà HSBC thực hiện.
Thay đổi xếp hạng
Theo Bloomberg, chính phủ Việt Nam trong tháng Hai năm 2011 đã có chiến lược kiềm giá, tăng trưởng tín dụng và ổn định tiền tệ. Tiền đồng đã tăng 0,9% trong năm nay, sau khi mất giá 26% trong bốn năm trước.
Lạm phát hạ xuống mức thường niên 6,48% trong tháng Chín sau khi tăng lên 23% trong tháng Tám năm ngoái.
Dự trữ ngoại tệ cũng đã tăng lên, đủ cho 2,4 tháng nhập khẩu, theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ngày 3/10.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, tài khoản vãng lai của Việt Nam đang ở mức thặng dư 0,2% so với Tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong năm 2011, từ thâm hụt 12% trong năm 2008.
Lợi tức của trái phiếu đôla 6,75% của Việt Nam cho đến tháng Một năm 2020 là 4,566% thời điểm hiện tại, trong lúc đó những khoản nợ dài hạn tương tự ở Philippines và Indonesia lần lượt là 2,18% và 2,71%, theo thống kê của Bloomberg.
Trao đổi với Bloomberg, ông Edwin Gutierrez, quản lý danh sách vốn đầu tư của quỹ Aberdeen tại London, cho biết động thái hạ bậc tín nhiệm Việt Nam của Moody's “chỉ phù hợp vào năm 2010, không phải năm 2012" sau khi Việt Nam đã có dự trữ ngoại hối tăng gấp đối từ mức đáy và giảm nợ trong một năm rưỡi qua.
“Trái phiếu Việt Nam đang tương đối rẻ so với các loại trái phiếu đắt đỏ khác trong khu vực”, ông Gutierrez nhận xét.
Quan điểm trái chiều
Không phải nhà đầu tư nào cũng tự tin với tình hình kinh tế hiện tại ở Việt Nam. Yerlan Syzdykov, người quản lý mảng quỹ nợ cho thị trường hội nhập tại Pioneer Investment với tài sản giá trị 198 tỷ đôla nói :"Chúng tôi đã đặt nhẹ trọng lượng của Việt Nam trong quỹ của mình và sẽ không thay đổi quyết định."
"Áp lực sẽ tiếp tục tăng cao đối với nền kinh tế và quốc gia này sẽ phải đối mặt với đình trệ kinh tế trong lúc đang cố gắng kiềm chế tăng trưởng tín dụng và lạm phát."
Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 8/10, ông Art Woo, giám đốc mảng xếp hạng quốc gia Châu Á tại Fitch bình luận:"Chúng tôi nhận thấy ngành ngân hàng vẫn đang yếu kém.Tỷ lệ nợ xấu sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết và sửa chữa."