Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Quý 3 chậm rãi của các ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của các NH trong Quý 3 tương đối “uể oải”. Mặc dù nhiều chính sách được đưa ra, nhưng các NH chỉ còn quý cuối để về đích.

Tăng trưởng tín dụng quý III ở một số ngân hàng

Chỉ mới có một số ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh quý III/2014, nhưng có vẻ như đây không phải là mùa quý làm ăn sôi động của các ngân hàng khi tín dụng hoặc đã giảm so với quý trước đó hoặc tăng trưởng một cách khá uể oải.

Ở Ngân hàng An Bình, chẳng hạn, dư nợ cho vay đã giảm 7,8% so với quý trước. Tương tự, Ngân hàng Kiên Long giảm 1,56%, NVB giảm 7%. Một số ngân hàng khác lại tăng rất chậm như ACB tăng 0,46%, hay Sacombank tăng 1,45%.

Mặc dù tín dụng nhìn chung tăng chậm ở từng ngân hàng, nhưng con số tăng trưởng toàn hệ thống lại mang sắc hồng nhiều hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 9.2014 đạt 7,26%, trong khi tính đến cuối tháng 6, con số này mới chỉ ở mức 3,52%. Có lẽ những ngân hàng chưa báo cáo kết quả kinh doanh đã đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng này. Theo số liệu mà NCĐT tổng hợp ở 10 ngân hàng đã có báo cáo, tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ chỉ ở mức 2,16% so với quý trước.

Dù vậy, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong năm nay đã tốt hơn so với năm ngoái. Nếu như vào cuối tháng 10.2013, tín dụng chỉ tăng 7,18% thì đến ngày 24.10.2014, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,85%, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng hiện nay là sự phân hóa khá mạnh. Không chỉ so với quý trước, nếu so với thời điểm đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng của nhóm 10 ngân hàng vừa báo cáo cũng có sự phân hóa khá mạnh khi có ngân hàng tăng trưởng cao, có ngân hàng lại tăng trưởng rất chậm.

Sở dĩ như vậy là do chiến lược ở từng ngân hàng. Có ngân hàng cần ổn định lại nợ xấu nên hạn chế tăng tín dụng, có ngân hàng lại tranh thủ giành thị phần. Tuy nhiên, những ngân hàng chấp nhận tăng trưởng tín dụng chậm cũng sẽ chấp nhận chịu thiệt. Đó là nguồn thu nhập trong tương lai từ hoạt động tín dụng sẽ có xu hướng giảm. Chẳng hạn, tại ACB, thu nhập lãi thuần hiện ở mức thấp nhất trong các quý III kể từ năm 2010 trở lại đây. Còn nếu tính lũy kế 3 quý năm nay, thu nhập lãi thuần tiếp tục giảm 5,85% so với cùng kỳ (lũy kế 3 quý đầu năm 2013 đã giảm 34%). Thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng như vậy là do tăng trưởng tín dụng chậm chạp từ trước đó (năm 2012 dư nợ cho vay giảm 0,9%, năm 2013 tăng 4,27%, trong khi 9 tháng đầu năm nay tăng 3,8%).

Tín dụng không chỉ có ý nghĩa về mặt thu nhập ở các ngân hàng, mà còn liên quan đến vấn đề nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng tốt giúp ngân hàng báo cáo số liệu tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn. Điều này cũng có ý nghĩa tương tự đối với các cơ quan quản lý.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan liên tục đưa ra những chính sách thúc đẩy các ngân hàng cho vay. Mới đây nhất là việc giảm trần lãi suất huy động và các lãi suất cho vay liên quan. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp. Bản thân các ngân hàng cũng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi. Thế nhưng, thị trường dường như không mấy mặn mà dù lãi suất đã giảm nhiều.

“Từ nay đến cuối năm tín dụng có lẽ không khả quan”, khối nghiên cứu thuộc Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định sau động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa có báo cáo. Có lẽ các ngân hàng này mới là trụ cột hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vì trong đó có những ngân hàng lớn chưa báo cáo như VietinBank, BIDV, Eximbank, Techcombank.

Quý IV luôn là thời điểm mà các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và các doanh nghiệp cũng thường vay mượn để phục vụ sản xuất kinh doanh cuối năm. Như năm ngoái, tín dụng tăng trưởng đến 12,5% trong khi tốc độ tăng cả năm trước còn chậm chạp hơn năm nay. Vì vậy, con số tăng trưởng mục tiêu từ 12-14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra vẫn có thể thực hiện được.

Nguồn: http://nhipcaudautu.vn