VN đang trở thành điểm đến ưu thích của các dòng vốn ngoại. Nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để duy trì và tăng cường dòng vốn đó.
Việt Nam đang trở thành một điểm đến ưa thích của dòng vốn quốc tế trong thời gian qua. Có thể kể đến những thương vụ đáng chú ý như Standard Chartered Private Equity rót 90 triệu USD đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam; Tập đoàn BJC của Thái Lan quyết chi 879 triệu USD để thâu tóm chuỗi siêu thị Metro; nhà đầu tư bất động sản Creed Group đến từ Nhật cam kết rót 30 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam; quỹ Global Emering Markets công bố sẽ chi 80 triệu USD để mua cổ phần của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; và mới nhất là thương vụ tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới Mondelēz International chi 370 triệu USD để mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô.
Ðặc biệt hơn, lần đầu tiên kể từ năm 2010, 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ đã được chào bán rất thành công với khối lượng đặt mua của nhà đầu tư ngoại gấp đến 10 lần khối lượng chào bán. Tin vui từ đợt phát hành lần này được kỳ vọng sẽ tạo tác động lan tỏa đến vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ được lợi từ sự quan tâm này.
Sự sôi động của dòng vốn ngoại không chỉ dừng lại ở các thương vụ M&A hay phát hành trái phiếu, mà còn thể hiện ở khía cạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sau khi được chính quyền TP.HCM chấp thuận khoản đầu tư 1,4 tỉ USD vào khu công nghệ cao TP.HCM, mới đây, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đang tiếp tục thể hiện tham vọng biến Việt Nam trở thành cứ địa sản xuất mới bằng việc chuẩn bị xây nhà máy thứ 2 trị giá đến 3 tỉ USD ở Thái Nguyên, đưa tổng giá trị các khoản đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn này lên đến 11,2 tỉ USD. Khi đó, Samsung sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam.
Sự góp mặt của Samsung, Intel hay LG thật sự đã làm thay đổi đáng kể cái nhìn của thế giới về Việt Nam. Có thể nói, bên cạnh những thế mạnh truyền thống về nông nghiệp hay dệt may, giờ đây Việt Nam có thể tự hào trở thành quốc gia “xuất khẩu” điện tử hàng đầu thế giới.
Theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2013, doanh thu xuất khẩu điện tử của Việt Nam đã lên tới 38 tỉ USD. Tuy vẫn còn kém rất xa so với người láng giềng Trung Quốc với doanh thu 560 tỉ USD, nhưng Việt Nam cũng đã vượt lên xếp thứ 12 trong danh sách các quốc gia sản xuất và xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới.
Nhìn từ lĩnh vực điện tử, có thể thấy việc Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới ở Đông Nam Á dường như không phải là giấc mơ quá xa vời. Thế nhưng, trái ngược với sự sôi động của khối ngoại, việc “im hơi lặng tiếng” của các doanh nghiệp trong nước lại mang đến một lời cảnh báo về lâu dài.
Thật vậy, biểu đồ giá trị xuất khẩu trong các năm qua đều thể hiện rõ sự tụt hậu ngày càng đáng kể giữa khu vực kinh tế trong nước với nước ngoài. Kể từ năm 2010, trong khi xuất khẩu của khối ngoại bắt đầu tăng lên nhanh chóng, giá trị xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước lại tăng trưởng khá chậm. Ðiều này khiến cho khoảng cách giữa hai khu vực ngày càng giãn rộng đến mức báo động.
Thực tế, ngay cả sự hiện diện của Samsung cũng chưa mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, dù phải thừa nhận một cách công bằng là tập đoàn này đã mang tới hàng chục ngàn công ăn việc làm cho lực lượng lao động của Việt Nam.
Tính đến nay, mới chỉ có 4 doanh nghiệp Việt hợp tác được với Samsung, nhưng chỉ dừng lại ở việc cung cấp bao bì đóng gói. Ngay cả thị phần vận chuyển hàng hóa cho Samsung, phần lớn cũng rơi vào tay các doanh nghiệp vận chuyển toàn cầu như DHL Express, UPS hay FedEx. Điều này đã phản ánh rõ năng lực thực tại của doanh nghiệp trong nước là yếu kém. Trong khi đó, năng lực tiếp cận với nguồn hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp rất nhiều trở ngại bởi vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết hiệu quả.
Dù vậy, trong bối cảnh các nguồn lực trong nước và lợi nhuận dần rơi vào khối ngoại, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để xoay chuyển tình thế. Điều cần thiết nhất hiện nay là cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tự do hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, từ đó giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí giao dịch và phát huy được những ý tưởng của mình.
Trở lại với câu chuyện của dòng vốn quốc tế. Nếu nhìn nhận sự kiện Việt Nam bị tụt đến 6 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới trong bối cảnh FDI vẫn đang đổ dồn vào nước ta, rõ ràng đây là một tín hiệu lạc quan. Ðiều này chứng tỏ rằng, nếu quyết tâm cải cách Việt Nam trở thành một trường kinh doanh cạnh tranh hơn và khắc phục được những điểm yếu cố hữu, chắc chắn vị thế của Việt Nam sẽ còn lớn hơn so với thời điểm hiện tại; và các doanh nghiệp trong nước vẫn sẽ còn cơ hội để cải thiện được năng lực cạnh tranh của bản thân.
Được biết, tính đến tháng 10.2014, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bắt đầu phát huy tác dụng. Ðã có trên 4.000 thủ tục hành chính được cắt giảm trên nhiều lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, giải thế phá sản... Hy vọng rằng chính sách cải cách này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn trong các năm tới.
Nguồn: