Không hội nhập sẽ làm cho nền kinh tế lạc hậu thụt lùi so với các nước phát triển, nhưng nếu hội nhập mà không có sự chuẩn bị hay chủ quan trước sức mạnh cạnh tranh từ doanh nghiệp các nước trong khu vực Asean sẽ là mối lo ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Phóng viên Tạp chí NCĐT đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) sẽ được thành lập, tức là thời gian chỉ còn tính bằng tháng. Bối cảnh kinh doanh sẽ thay đổi như thế nào tính từ thời điểm đó?
Khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi. Đầu tiên là việc hình thành các trụ cột kinh tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường và các cơ sở sản xuất thống nhất. Điều này có nghĩa là 10 nền kinh tế trong Asean phải mở cửa ở mức độ rất cao cho các nhà sản xuất, những người bán và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tất cả sẽ tạo nên nền kinh tế tự do hóa về hàng hóa vật chất và hàng hóa cơ bản. Lúc này, thuế doanh nghiệp sẽ rút dần từ 5-0% trong dài hạn. Và với Việt Nam, trong năm 2018 phải giảm thuế xuống mức thấp nhất để hòa hợp với Cộng đồng Kinh tế Asean. Thị trường dịch vụ cũng sẽ được mở cửa. Mặc dù nhìn chung, hiện nay chất lượng dịch vụ tại Việt Nam chưa cao, nhưng với hơn 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, khu vực này hứa hẹn mang lại tiềm năng lớn. Khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh và những doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam yếu thế bắt buộc phải có những điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các tập đoàn nước ngoài. Từ trước đến nay, doanh nghiệp Việt chỉ bán sản phẩm sang các nước Lào, Camphuchia, Myanmar..., thì khi hội nhập sản phẩm Việt sẽ từng bước đi vào thị trường các nước phát triển khác trong khối. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cao về mọi mặt thì mới hy vọng đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển trong khối Asean.
Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt lo sợ và cho rằng gia nhập AEC lợi ít hại nhiều. Bà nghĩ gì về điều này?
Việt Nam hội nhập APEC sẽ tạo ra nhiều thách thức và cơ hội. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, nhưng đồng thời tỉ lệ cạnh tranh với các nước trong khu vực sẽ khốc liệt hơn. Nguồn vốn các nước được luân chuyển qua lại sẽ tạo nên sức ép lên doanh nghiệp Việt. Và nguồn lực con người cũng đang là vấn đề mà bản thân tôi cũng như lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng nhất, bởi Việt Nam đang thiếu đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật công nghệ. Điều này sẽ tạo nên rào cản lớn để doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong cộng đồng Asean.
Theo bà, doanh nghiệp Việt có lợi thế gì và điểm yếu gì khi tham gia vào sân chơi AEC?
Nếu trước đây, sản phẩm của doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu quanh quẩn chủ yếu ở các nước quen thuộc như Lào, Campuchia, Myanmar thì khi hội nhập, những thị trường mới sẽ đồng thời được mở ra như Indonessia, Thái Lan, Singapore và Malaysia... mà không phải chịu nhiều sức ép về luật và thuế. Đây chính là cơ hội. Và một nền kinh tế cạnh tranh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tự đổi mới chính mình, nâng cao về nguồn lực con người, nguồn lực vốn, nguồn lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên sức ép cạnh tranh mọi mặt sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt, nếu doanh nghiệp Việt không nắm bắt, khả năng bị đào thải sẽ là rất lớn.
Những ngành nào có khả năng sẽ “phất” lên nhờ AEC? Và ngành nào có khả năng không cạnh tranh nổi?
Thật ra trong giai đoạn hiện tại, việc đánh giá ngành nào “phất” và ngành nào “lụi” sẽ là rất khó. Câu trả lời phải đợi một thời gian nữa, sau khi APEC chính thức thành lập. Lúc đó, bức tranh về cuộc chiến trên thương trường giữa các ngành, thậm chí giữa các doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Theo quan sát của bà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc hội nhập này?
Thật ra doanh nghiệp Việt Nam khá là chủ quan trước sự kiện hội nhập và nếu để hiểu cho rõ, cho sâu các vấn đề xoay quanh thách thức và cơ hội trong công cuộc hội nhập, rất ít doanh nghiệp Việt hiện có thể nắm bắt được tình hình. Ngay cả các cơ quan nhà nước cho đến bây giờ vẫn rất chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách để giúp doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế thích ứng được với sự kiện AEC.
Theo bà, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để bước vào AEC? Chiến lược cạnh tranh nào là phù hợp cho doanh nghiệp Việt?
Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã không còn thời gian để chuẩn bị nữa rồi. Nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp Việt bỏ mặc buông xuôi để thời cuộc đẩy đưa. Họ phải biết suy nghĩ và hành động để trước mắt là giữ thị trường trong nước. Vì thị trường nội địa vẫn còn rất rộng để doanh nghiệp Việt đầu tư và phát triển. Theo số liệu điều tra, khoảng 75% doanh nghiệp Việt tập trung phát triển hệ thống phân phối sản phẩm trong nước. Thái Lan đang chiếm khoảng 30-40% hệ thống phân phối tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần phải giữ vững phần còn lại với lợi thế sân nhà.
Và trong cuộc chơi hội nhập sẽ nổi lên 2 khả năng. Hoặc Việt Nam sẽ biến mình thành công xưởng thế giới, là nơi tụ điểm của các dự án, tạo ra sản phẩm Việt tiêu thụ đến các nước phát triển. Hoặc Việt Nam sẽ mất đi khả năng sản xuất và cạnh tranh, tự biến mình trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm màu mỡ cho các nước.
Doanh nghiệp Việt lại có suy nghĩ đến chuyện tiếp cận thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật và các nước có nền kinh tế phát triển mà đánh giá thấp thị trường các nước trong khu vực Asean. Đó là yếu tố bất cập cho cả người Việt Nam và doanh nghiệp Việt khi nhìn nhận thị trường theo lối tư duy này. Xét ở góc độ dân số với 600 triệu dân thì khu vực Asean xếp vị trí thứ 3 trên thế giới; xét về thị trường hàng hóa, khu vực này hiện ở vị trí thứ 7.
Để tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách cho tất cả doanh nghiệp trong nước nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn