Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Cú sốc thị trường mới nổi

Một khi FED siết chặt tiền tệ, thị trường khó tránh khỏi các cú sốc mới.

Năm 2008, các nhà đầu tư đã quá thấm thía bài học phản ứng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đó không chỉ đơn thuần vì sự sụp đổ của Lehman Brothers đã tác động mạnh đến các tập đoàn phương Tây khác, mà còn có sự rơi rụng của doanh nghiệp ở thị trường mới nổi.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), sau cú sốc Lehman Brothers vào năm 2008, khoảng 50.000 doanh nghiệp tại Brazil, Trung Quốc và Nga đã gánh khoản thua lỗ tới 30 tỉ USD khi đồng USD đột ngột tăng giá mạnh. Tổn thất lớn là bởi vì các công ty đã “lỡ” nắm giữ các hợp đồng chứng khoán phái sinh. Các hợp đồng này trông có vẻ an toàn khi đồng USD yếu, nhưng sau cú sốc Lehman, đồng USD đã tăng giá không ai ngờ tới. Và kết quả là các hợp đồng phái sinh đã mang đến khoản lỗ lớn.

Đó là một bài học về những hậu quả bất ngờ trong một thế giới liên thông chặt chẽ với nhau. Bài học này lại có cơ hội được xăm soi kỹ khi tuần qua các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố siết chặt chính sách tiền tệ vào năm tới. Thông tin này đã đẩy giá đồng USD lên mức cao 17 tháng qua (vì các mức lãi suất cao hơn sẽ khiến các tài sản Mỹ trở nên hấp dẫn hơn).

Một khi FED siết chặt tiền tệ, thị trường khó tránh khỏi các cú sốc mới. Kể từ năm 2008, các ngân hàng trung ương phương Tây đã thực hiện nới lỏng tiền tệ, khiến nhà đầu tư toàn cầu quay sang đầu tư vào các tài sản ở thị trường mới nổi để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Điều đó đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong cơ cấu tín dụng mà ít ai nhận ra: ngày trước, các công ty tại Nga, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ thường huy động vốn bằng cách vay ngân hàng, nhưng những năm qua, họ đã và đang huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu cho các công ty quản lý tài sản, theo BIS.

Rủi ro chính từ điểm này: khi lãi suất ở phương Tây tăng lên, một số khoản đầu tư chảy vào thị trường mới nổi có thể đi theo hướng ngược lại, tạo ra phản ứng dây chuyền. Thực ra, viễn cảnh này đã xảy ra vào năm ngoái (nhưng với quy mô nhỏ hơn) khi thị trường biến động mạnh trước những đồn đoán rằng FED sắp giảm quy mô nới lỏng tiền tệ.

Điều đáng lo ngại là không nắm rõ được con số xác thực về dòng tiền chảy vào để có thể đánh giá quy mô cú sốc có thể xảy ra. Căn cứ vào số liệu thống kê quốc gia về phát hành nợ, các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi đã phát hành 152 tỉ USD nợ mới vào năm ngoái, nâng tổng nợ phát hành trái phiếu lên tới 650 tỉ USD. Nhưng nếu nhìn vào báo cáo từ các doanh nghiệp ở Ấn Độ và Trung Quốc, nợ trái phiếu là 1.200 tỉ USD, trong đó 265 tỉ USD được phát hành vào năm ngoái.

Lý do cho mức chênh lệch lớn về số liệu này là nhiều công ty đã bán nợ qua các cỗ máy ở nước ngoài mà các cỗ máy này rất khó theo dõi. Điều tồi tệ hơn là phần lớn nợ trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài bằng đồng USD, nhưng doanh nghiệp trả lãi bằng doanh thu nội tệ.

Đối với một số tập đoàn lớn tại Nga, Nam Phi hoặc Brazil, điều này không đáng lo vì họ có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn USD. Nhưng đối với các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp ít có nguồn thu ngoại tệ, chỉ cần một đợt tăng giá USD mạnh cũng mang lại rủi ro lớn.

Có lẽ thấy được nguy cơ này mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan đã khuyến cáo tại nhiều doanh nghiệp lớn Ấn Độ. Còn BIS thì lo ngại “về tình trạng bất cân xứng giữa tài sản và nghĩa vụ nợ ở các doanh nghiệp phát triển bất động sản ở Trung Quốc hay các công ty năng lượng và dịch vụ công ích ở Ấn Độ, những đơn vị phát hành nợ quốc tế năng nổ nhất những năm gần đây”.

Một vấn đề nữa là ngành quản lý tài sản có mức độ tập trung rất cao. Điều đó có nghĩa nhà đầu tư trái phiếu có xu hướng hành xử “một cách bầy đàn” một khi thấy có nguy cơ xuất hiện.

Thực ra, những cơn hoảng loạn như vậy không phải là mới và thị trường mới nổi đã biết cách phòng vệ chứ không còn “tay mơ” như trước. Một bằng chứng là theo BIS, các doanh nghiệp thị trường mới nổi đang phát hành trái phiếu có thời hạn dài hơn. Và họ cũng có xu hướng sử dụng ít hơn các chứng khoán phái sinh “độc hại”.

Tác giả: Đàm Hoa

Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/