"Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang”, câu slogan quảng cáo dễ nghe dễ thuộc của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, chính là định hướng phát triển của doanh nghiệp này dưới bàn tay Tổng Giám đốc Hồ Quỳnh Hưng.
Ngoài bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng giữa phòng, mọi thứ ở nơi làm việc của Hồ Quỳnh Hưng dường như vẫn y nguyên như lúc ông nhậm chức Tổng Giám đốc Điện Quang cách đây 4 năm. Đó là chiếc tủ kính lớn chứa các loại bóng đèn của Công ty từ trước đến nay, một chiếc tivi và một bộ ghế da màu trắng sữa.
“Còn thêm 4 cái bóng đèn này cũng là mới nữa. Đèn LED chính là công nghệ mới nhất và là xu hướng của tương lai. Mình là nhà sản xuất tất nhiên phải tiên phong chứ!”, Hồ Quỳnh Hưng cười và chỉ tay về tấm đèn hình vuông trên trần nhà khi được hỏi về sự nguyên thủy của căn phòng.
Còn nhớ, khi Hồ Quỳnh Hưng trở thành Tổng Giám đốc Điện Quang vào tháng 5.2010, lúc ấy ông mới 38 tuổi. Tuổi đời còn khá trẻ cộng với việc người tiền nhiệm - bà Hồ Thị Kim Thoa - lại là chị gái Hồ Quỳnh Hưng đã khiến không ít cổ đông và nhân sự chủ chốt Công ty nghi ngờ khả năng điều hành của ông.
Suốt buổi trò chuyện, ông Hưng luôn khẳng định rằng Điện Quang có được như hôm nay là nhờ công sức chung của các thế hệ lãnh đạo cùng tập thể công nhân qua nhiều thời kỳ, chứ không phải của cá nhân ông. Điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng kết quả kinh doanh sáng sủa của Điện Quang trong 4 năm liên tiếp từ ngày ông Hưng nhậm chức đã chứng minh rằng Hội đồng Quản trị Công ty không nhìn nhầm người.
Giai đoạn 2010-2013, doanh thu của Điện Quang tăng từ 646 tỉ đồng lên 914 tỉ đồng. Ðây là mức tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó, lúc doanh thu Điện Quang chỉ loanh quanh mức 500 tỉ đồng. Đáng nói hơn, Điện Quang đạt được sự phát triển này trong thời điểm kinh tế khó khăn và những mặt hàng chủ lực là đèn huỳnh quang và compact đang đến ngưỡng bão hòa ở thị trường trong nước. Theo ông Hưng, Điện Quang đang chiếm hơn 50% thị phần bóng đèn Việt Nam.
“Trong 10 năm nữa, Điện Quang sẽ phát triển thành tập đoàn đa quốc gia chuyên về chiếu sáng và điện dân dụng, đúng như slogan”, Hồ Quỳnh Hưng tự tin cho biết. Thực tế, chiến lược này cũng là một trong những yếu tố giúp Điện Quang tăng trưởng doanh thu.
Nếu như sản phẩm chủ lực của Điện Quang trước đây là đèn huỳnh quang và đèn compact, thì hiện tại đèn LED chính là ngôi sao mới trong hệ thống sản phẩm của Công ty. Không chỉ ở Việt Nam, đèn LED cũng đang dần thay thế đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang hay đèn compact khắp nơi trên thế giới bởi tiết kiệm năng lượng, phát quang tốt và tuổi thọ cao hơn.
Bộ Năng lượng Mỹ dự báo, đèn LED sẽ đẩy lùi các bậc tiền nhiệm vào quá khứ và trở thành công nghệ thắp sáng toàn cầu vào năm 2020. Theo ông Hưng, xu hướng này sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong khoảng 5 năm tới.
Đón đầu thị trường, Điện Quang đã đầu tư công nghệ sản xuất mạch điện tử và bo mạch đèn LED từ năm 2008. Hai năm sau, Công ty đã sản xuất được đèn LED nhưng giá cao gấp 10 lần đèn compact nên chưa được tiêu thụ mạnh. Sau nhiều lần nghiên cứu cải tiến, chất lượng LED Điện Quang đã tốt hơn mà giá thành chỉ còn cao gấp 2,5 lần đèn compact. Hiện tại, mỗi năm Công ty có thể sản xuất và tiêu thụ được khoảng 10 triệu sản phẩm đèn LED. “Dòng sản phẩm này mới chiếm khoảng 10% doanh thu năm 2013 của Điện Quang, nhưng tôi tin con số này sẽ tăng lên 50% trong vài năm nữa”, Tổng Giám đốc Điện Quang kỳ vọng.
Sở hữu lợi thế nhờ đón đầu được công nghệ, nhưng Điện Quang cũng phải đối mặt với không ít trở ngại. Theo ông Hưng, đối thủ lớn nhất chính là sản phẩm chiếu sáng từ Trung Quốc được nhập khẩu đường phi mậu dịch chứ không phải các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam. Do không được kiểm soát chất lượng nên loại này chỉ tiêu thụ được nhờ nhắm vào khách hàng chuộng giá rẻ. “Nhìn chung, dòng đời của các sản phẩm này không cao, lại thiếu bảo hành nên sẽ không thể cạnh tranh với hàng của Điện Quang, vốn đã có thương hiệu”, ông Hưng nhận xét.
Bên cạnh lợi thế thương hiệu, hệ thống phân phối Điện Quang xây dựng được chính là một thế mạnh khác giúp Công ty có thể cạnh tranh lại với cả những ông lớn như Philips, Osram, Toshiba hay Panasonic. Điện Quang hiện có hệ thống phân phối khắp 63 tỉnh thành với khoảng 150 nhà phân phối, đại lý và trên 15.000 điểm bán. Dù không tiết lộ cụ thể, nhưng theo ông Hưng, một thương hiệu bóng đèn nổi tiếng của nước ngoài từng ngỏ ý mua lại công ty con chuyên phân phối của Điện Quang, nhưng ông đã từ chối.
Không chỉ phân phối mạnh trong nước, hệ thống bán hàng Điện Quang còn vươn ra khu vực Đông Nam Á. “Điện Quang đang xuất khẩu đến 32 quốc gia. Tại thị trường Myanmar, Lào và Campuchia, Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối khá tốt nhờ có nhiều điểm tương đồng với chúng ta”, ông Hưng cho hay.
Năm 2010-2012, doanh thu xuất khẩu đóng góp bình quân khoảng 16% vào tổng doanh thu hằng năm của Điện Quang. Sang năm 2013, nhờ có nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn sang Nam Mỹ, Trung Á và Nam Á nên doanh thu từ xuất khẩu của Công ty cũng tăng mạnh, ước tính đóng góp gần 33% vào tổng doanh thu, tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước đó.
Chiến lược đa quốc gia của Điện Quang dưới thời Hồ Quỳnh Hưng không chỉ dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm. Công ty còn xuất khẩu vốn để đầu tư sản xuất ở quốc gia khác. Cụ thể, năm 2010, Điện Quang đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện ở Venezuela. Nhà máy có công suất thiết kế 74 triệu bóng/năm với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD (Điện Quang góp 30% vốn). Theo ông Hưng, giai đoạn 1 của nhà máy đã hoạt động với công suất 12 triệu bóng/năm; dự kiến năm nay sẽ tăng lên 24 triệu bóng/năm.
Không chỉ có bóng đèn. Điện dân dụng cũng là một mục tiêu được ông Hưng hướng đến. “Chiến lược của Điện Quang là khi bạn làm gì liên quan đến chiếu sáng, Điện Quang có thể phục vụ tất cả mọi nhu cầu từ sản phẩm, giải pháp cho đến thi công”, ông Hưng vừa nói vừa lật cuốn catalogue hàng trăm loại sản phẩm mà Điện Quang đang sản xuất và phân phối khắp thế giới.
Tác giả: Lưu Đức
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn