Cổ phiếu Thế giới di động không ngoài dự đoán khi sớm trở thành cổ phiếu nóng trên thị trường.
Kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán vào ngày 14.7.2014 với mức giá khai trương 65.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Thế Giới Di Động đã liên tục tăng hơn 60% để đạt mức giá hơn 100.000 đồng chỉ một tuần sau đó. Dĩ nhiên, người được hưởng lợi nhiều nhất từ diễn biến này chính là các cổ đông sáng lập nên Thế Giới Di Động khi họ sớm trở thành những triệu phú và thuộc hàng giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, để tối đa hóa lợi nhuận, 4 trên 5 thành viên sáng lập này đã chuyển tổng cộng 19,7 triệu cổ phiếu mà mình sở hữu sang cho các công ty riêng của mình, tức chiếm đến 31% tổng số cổ phần của Thế Giới Di Động. Trong đó ông Nguyễn Đức Tài chuyển phần lớn cổ phần của mình sang cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ, ông Trần Lệ Quân chuyển sang cho Công ty TNHH Tri Tâm, ông Điêu Chính Hải Triều chuyển sang cho Công ty TNHH Sơn Ban và ông Trần Huy Thanh Tùng chuyển sang cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy.
Chúng ta có thể xem các công ty này thuộc dạng các công ty theo mô hình Holding Company, tức công ty chỉ chuyên nắm giữa cổ phần đầu tư của công ty khác mà không tiến hành các hoạt động sản xuất hay kinh doanh trực tiếp. Holding là một dạng nắm giữ đầu tư rất phổ biến trên thế giới. Có thể kể đến một vài tên tuổi lớn như Berkshire Hathaway của bậc thầy về tài chính Warren Buffett vốn nắm giữ nhiều khoản đầu tư vào các công ty lớn như Coca-Cola, IBM, P&G, Wal-Mart… Hay Tập đoàn Alleghany Corporation của hai ông trùm ngành đường sắt Mỹ Oris và Mantis Van Sweringen hiện nắm giữ các khoản đầu tư vào các công ty bảo hiểm và bất động sản thay cho chủ nhân của nó.
Ở Việt Nam, trào lưu thành lập các công ty riêng để nắm giữ các khoản đầu tư vào các công ty khác cũng bắt đầu mở rộng trong các năm gần đây. Ngoài bước đi của các cổ đông của Thế Giới Di Động thì trước đó, ông chủ của Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã chuyển nhượng phần lớn số cổ phần của mình trong tập đoàn này sang cho công ty con mang tên Tam Hỷ, hay chủ tịch Nguyễn Duy Hưng của Công ty Chứng khoán SSI đã chuyển nhượng phần lớn cổ phần của mình cho công ty con mang tên NDH Việt Nam.
Việc thành lập các công ty riêng thuộc dạng Holding như thế có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ nhân của nó. Ví dụ, nếu đó là người hoạt động trên nhiều lĩnh vực, việc thành lập một công ty riêng để tập trung quản lý sẽ thuận tiện hơn. Ngoài ra, nhờ vào các công ty holding này đứng ra làm đại diện cho các quyền sở hữu thì danh tính của các ông chủ đứng đằng sau đó cũng ít được dư luận chú ý hơn.
Một lợi ích cực kỳ to lớn khác không thể không nhắc tới là giảm được khoản thuế phải nộp. Theo đó, nếu cổ đông của công ty là cá nhân thì mỗi khi nhận được cổ tức, cá nhân đó sẽ bị khấu trừ thuế 5%, nhưng nếu cổ đông đó là pháp nhân thì theo luật pháp Việt Nam hiện hành, sẽ khỏi phải bị khấu trừ thuế. Trong trường hợp của Thế Giới Di Động, giả sử công ty này dành 50% lợi nhuận sau thuế năm 2013 để trả cổ tức, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận được khoảng 2.000 đồng thì khoản tiết kiệm thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng 19,7 triệu cổ phiếu nói trên sẽ rơi vào gần 2 tỉ đồng, một con số không nhỏ.
Nhưng khoản tiết kiệm đó không phải chỉ 1 năm mà có thể là còn nhiều năm sau và con số tính lũy kế theo thời gian có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa. Điều này cho phép các chủ nhân thực sự đứng đằng sau các công ty holding này bảo tồn được đồng vốn để sau này có thể dần rút ra vào một thời điểm nào đó thích hợp trong tương lai khi thuế suất thuế thu nhập cá nhân có lợi cho mình.
Một ưu điểm khác đối với việc thành lập công ty riêng thuộc dạng Holding là cho phép các chủ nhân có thể chuyển nhượng tài sản của mình cho bạn bè cũng như cho các thành viên kế thừa trong gia đình. Đặc biệt đây là công cụ đơn giản khi bạn nắm giữ nhiều tài sản lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đó, thay vì phải chuyển nhượng từng tài sản một, giờ đây chỉ cần cổ phần hóa công ty holding này và chuyển nhượng cổ phần đó sang cho người khác, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nếu kết quả kinh doanh đẹp đẽ, các công ty con này sau này đều có khả năng cổ phần hóa và khi đó giá trị tài sản thu được cho chủ nhân ban đầu còn có thể tăng lên nhiều lần nữa. Thậm chí, nhờ công ty riêng này, người ta có thể đi vay vốn ngân hàng để có thể mở rộng các hoạt động kinh doanh hay thâu tóm các công ty khác.
Tóm lại, vấn đề chuyển nhượng cổ phần sang các công ty riêng để quản lý là hoàn toàn hợp luật. Chỉ tội một điều là ngành thuế đã mất đi những khoản thuế đáng kể trong khi các đại gia thì rung đùi mỉm cười với khá nhiều lợi ích thu được.
Tác giả: Sơn Thanh
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn