Trong 4 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của Việt Nam đã thặng dư 2,05 tỉ USD, theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì tỉ trọng cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp trong nước về kim ngạch xuất nhập khẩu. Khối này cũng luôn giữ trạng thái xuất siêu với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đến 1,6 lần.
Trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, có nhiều sản phẩm mà khối FDI đang làm chủ như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa chủ yếu tham gia các khâu gia công với giá trị gia tăng thấp.
Đại diện một doanh nghiệp ở Bắc Ninh (không muốn nêu tên) cho biết hiện nay công ty ông chỉ cung ứng cho Samsung những phần liên quan đến đóng gói, bao bì, chứ chưa phát triển theo hướng cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc này. Theo vị này, công ty ông không chắc là nếu bỏ tiền ra đầu tư công nghệ, nhân lực thì linh kiện làm ra có đáp ứng được yêu cầu của Samsung hay không, nên đành “bằng lòng” với việc đóng gói, bao bì.
Hiện nay, Samsung là doanh nghiệp FDI chủ lực đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với 8,08 tỉ USD, tăng đến 36% so với cùng kỳ năm trước. Hồi đầu tháng 3 năm nay, nhà máy thứ hai của Samsung đã chính thức vận hành với công suất khoảng 2 triệu sản phẩm/tháng và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8-9 triệu sản phẩm/tháng kể từ quý IV/2014. Như vậy, thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này có thể sẽ còn tăng mạnh và đóng góp đáng kể vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thủy sản cũng là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Và đây là ngành mà khối doanh nghiệp trong nước đang giữ thế thượng phong. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 2,3 tỉ USD, tăng đến 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI lại tiếp tục ghi điểm khi làm chủ trong việc cung cấp thức ăn đầu vào cho nhóm hàng thủy sản.
Mặc dù khối doanh nghiệp trong nước có kết quả xuất khẩu khá mờ nhạt so với khối doanh nghiệp FDI, nhưng một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 12%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (19%). Đó là nhờ việc nhập khẩu giảm ở một số mặt hàng có tỉ trọng cao trong kim ngạch nhập khẩu như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép. Điều này lý giải vì sao Việt Nam lại có kết quả xuất siêu lớn từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, một điều đáng ngại là nguyên liệu đầu vào cho nhóm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu đều được nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy có 3 nhóm hàng hóa nhập khẩu trên 5 tỉ USD. Dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, tiếp theo là nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nguyên vật liệu dệt may, da, giày.
Như vậy, thành tích xuất siêu đang phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu và chỉ đóng góp cho thu nhập quốc gia phần giá trị gia tăng thấp, do đây chủ yếu là các ngành gia công lắp ráp.
Tác giả: Hoàng Điền
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn