Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN cùng các hiệp định FTA đã và sẽ góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và các đối tác.
Thông điệp mà Bộ Công thương gửi tới các doanh nghiệp xuất khẩu là tăng cường sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, cùng phát triển bền vững.
Hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Bộ Công thương đang có những động thái gì để thúc đẩy thương mại, hội nhập, thưa ông?
AEC được thành lập mang nhiều mục đích, ý nghĩa. Tuy nhiên, điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng chung của khu vực.
Hiện ASEAN là một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng thương mại của Việt Nam (theo số liệu ước tính năm 2013). Về đầu tư, khu vực này đóng góp 22,4% tổng giá trị vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (năm 2013). Những thành viên ASEAN có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Thực tế đã chỉ ra rằng, AEC và các hiệp định FTA đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN, tác động tích cực tới việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường có liên quan. Tuy nhiên, để các nỗ lực hội nhập đem lại lợi ích thực sự, thì vai trò của các doanh nghiệp là yếu tố quyết định.
Đây có phải là lý do để Bộ Công thương lấy chủ đề cho Hội chợ Thương mại quốc tế Vietnam Expo 2014 là “Hợp tác hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN” diễn ra từ ngày 16 đến 19/4 tại Hà Nội?
Đó là một trong những hoạt động tích cực góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong hội nhập kinh tế khu vực và thành lập AEC vào năm 2015.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết hợp tác kinh tế quốc tế với yêu cầu ngày càng cao hơn, toàn diện hơn, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Vì vậy, thông điệp mà Bộ Công thương gửi tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua Vietnam Expo 2014 là tăng cường sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, cùng phát triển bền vững.
Xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cơ hội cũng không ngừng mở ra?
Đúng vậy. Nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới, do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư. Trong đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm cơ khí, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị…
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được Bộ Công Thương tích cực đàm phán, ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA Việt Nam - EU, Hiệp định FTA Việt Nam - EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ), Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan...
Tuy vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6% mà Quốc hội đã thông qua vẫn là thách thức lớn?
Để vượt qua thách thức này, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp lớn:
Thứ nhất, chú trọng phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực, có lượng hàng hoá lớn. Năm 2014, tập trung vào các sản phẩm như lúa gạo, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả.
Thứ hai, đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại. Thông qua giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký kết các FTA. Giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Thứ tư, tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm để kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, cung cấp thông tin, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng tránh và tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu.
Nguồn: http://www.vcci.com.vn