Dẫn số liệu từ Bloomberg, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Sumit Dutta, trong buổi tọa đàm về triển vọng kinh tế Việt Nam 2013-2014 cho biết tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ đứng thứ 3 về độ ổn định trong số các đồng tiền trong khu vực châu Á, tính đến tháng 8-2013.
Sau khi có thông tin về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm dần gói hỗ trợ tài chính QE3 vào cuối tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút một lượng lớn ngoại tệ ra khỏi các thị trường mới nổi ở châu Á, khiến đồng tiền của các thị trường này mất giá mạnh so với đô la Mỹ vào tháng 8, như đồng rupee của Ấn Độ giảm 15,47% so với đô la Mỹ hay đồng rupiah của Indonesia mất giá 12,68% so với đô la Mỹ.
Trong khi đó, đồng Việt Nam chỉ giảm 1,5% so với đô la Mỹ tính đến tháng 8-2013, sau Trung Quốc và Hồng Kông. Đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện nay của Việt Nam, theo các chuyên gia của HSBC.
Chuyên gia Trinh Nguyen của HSBC cho rằng có hai lý do để đồng Việt Nam giữ được sự ổn định so với đồng đô la Mỹ trong thời gian vừa qua đó là vì thâm hụt thương mại của Việt Nam đã giảm, do vậy Việt Nam không cần dựa vào dòng vốn nước ngoài để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai. Bà cho rằng điều này chủ yếu là nhờ vào việc Chính phủ đã đưa ra và liên tục duy trì những chính sách như tăng trần lãi suất, kiểm soát tín dụng từ năm 2011 cho đến nay, đồng nghĩa với kìm hãm cầu nội địa cũng như nhu cầu nhập khẩu vì lãi suất tăng cao, giúp cán cân thương mại trở nên tốt hơn.
Lý do thứ hai là dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam đa số là vốn đầu tư trực tiếp (FDI) hứa hẹn sẽ ở lại lâu dài với Việt Nam nên đồng tiền Việt Nam không quá phụ thuộc vào động thái vào ra của dòng vốn nóng. Chuyên gia này cho rằng dòng vốn nóng của các quỹ đầu tư nước ngoài không vào Việt Nam nhiều vì Việt Nam không hấp dẫn bằng các quốc gia khác, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì có thể thấy Việt Nam không quá lệ thuộc vào các dòng vốn đầu tư kém ổn định.
“Về ngắn hạn, Việt Nam không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng về dài hạn, Việt Nam lại hấp dẫn, bằng chứng là vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn mà sẽ ở lại lâu dài với Việt Nam, đã tăng mạnh trong năm nay”, Bà Trinh nói. Bà cũng cho rằng theo quan điểm của bà, kinh tế Việt Nam đã bước qua thời kỳ khó khăn nhất, nhưng thời kỳ tốt nhất vẫn chưa đến và Chính phủ còn nhiều việc phải làm như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đảm bảo nguồn năng lượng ổn định, đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư.
HSBC dự báo rằng từ nay đến cuối năm 2014 tiền đồng sẽ giảm giá dần so với đô la Mỹ, và sẽ ở mức 21.250 đồng vào cuối năm 2013 và 21.500 vào cuối 2014. Vào đầu tuần này, báo cáo của Ngân hàng ANZ về Việt Nam cũng dự báo rằng tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ sẽ ở mức 21.500 vào giữa năm 2014.
HSBC cũng đã điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm nay từ 5,5% xuống còn 5,2%, trong khi trung bình dự báo của nhiều tổ chức khác là 5,4%, trùng với mục tiêu mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra. Ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng dự báo về chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam cuối năm nay từ 5,8% lên 6,7%.
HSBC cũng dự báo rằng Việt Nam sẽ có thặng dư thương mại 600 triệu đô la Mỹ, và sẽ thâm hụt 700 triệu đô la Mỹ vào năm sau.
ANZ trong báo cáo mới đây ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 32 tỉ đô la Mỹ, còn HSBC dự báo rằng dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt 30 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm nay và sẽ tăng lên 35 tỉ đô la Mỹ trong năm sau.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn