Với việc tiêu thụ khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho các ứng dụng và sản xuất bán dẫn, song nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những thách thức cho nhà đầu tư, nhất là nguồn lao động chưa đáp ứng cho các nhà sản xuất.
Đây là thông tin được lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành vi điện tử trong nước và quốc tế đưa ra tại hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn, diễn ra tại TPHCM vào ngày 10-9.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, thị trường thiết bị bán dẫn thế giới hiện nay tăng trưởng không cao nhưng lại đang phát triển mạnh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó đáng chú ý là ở những thị trường mới nổi như Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, giống như một số nước, thị trường Việt Nam cũng đang phát triển nhờ vào sự gia tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm smartphone, máy tính bảng, hộp giải mã truyền hình kỹ thuật số (set-top box) và thiết bị điện tử tự động. Giới phân tích cho rằng xu thế sử dụng thiết bị công nghệ cao nói trên cũng chính là giải pháp đầu ra dành cho thiết bị bán dẫn trong những năm tới đây trên thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước với khoảng 90 triệu dân còn được đánh giá là rất lớn khi tới đây Chính phủ áp dụng hộ chiếu điện tử, chứng minh thư điện tử... thay thế.
Ông Don Tran, Giám đốc điều hành Công ty Global Equipment Services (GES), tin tưởng viễn cảnh phát triển tốt thị trường thiết bị bán dẫn Việt Nam khi mà lượng người sử dụng internet trong nước thuộc hạng cao trên thế giới, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử của người tiêu dùng gia tăng...
Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng ứng dụng các sản phẩm điện tử trong kinh doanh như thẻ giữ xe điện tử, thậm chí một số nhà hàng bắt đầu sử dụng máy tính bảng hoặc bảng điện tử để giới thiệu thực đơn ..., cũng sẽ làm gia tăng thị trường này, ông Don nói.
Tỷ lệ người dân hiện sở hữu xe ô tô còn thấp và sẽ tăng lên trong tương lai. Điều này cũng giúp cho thị trường thiết bị bán dẫn trong nước phát triển bởi theo ông Don thì chi phí bình quân sản xuất cho một chiếc xe ô tô cũng tốn khoảng 1.000 đô la Mỹ cho thiết bị bán dẫn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thu hút khá nhiều các tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử, công nghệ cao trên thế giới có nhu cầu lớn sử dụng thiết bị bán dẫn cho sản phẩm của mình để xuất khẩu đi toàn cầu.
Một điều quan trọng mà giới đầu tư chú ý vào Việt Nam là ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và được đưa vào danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Riêng tại TPHCM, chính quyền thành phố đã thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) và dự định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch đầu tiên của Việt Nam tại khu công nghệ cao TPHCM.
Tiềm năng là vậy, nhưng không ít nhà đầu tư còn lo ngại về phát triển ngành này ở Việt Nam mà cụ thể là nguồn lao động chưa được đáp ứng.
Ông Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM - nơi đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao lớn của cả nước - cũng thừa nhận việc này. Theo ông Thành, hiện nay cả nước có 23 công ty hoạt động trong lĩnh vực vi mạch cần 14.000 kỹ sư, chuyên viên vi mạch.
Ông Thành cho rằng đây là nhu cầu khá lớn so với các trung tâm, trường đại học có đào tạo ngành này. Mặt khác việc đào tạo nhân lực tại các trung tâm và trường học còn có khoảng cách so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phần lớn các trường chỉ đào tạo kiến thức rộng, chỉ mang tính nền tảng như mạch điện, kỹ thuật số, vi xử lý, hệ thống nhúng… không mang tính chuyên sâu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tuyển dụng cũng phải đào tạo lại mới có thể làm được việc.
Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã có các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển ngành vi mạch trong nước, tuy nhiên kết quả mang lại chưa nhiều do thiếu chính sách thực hiện cụ thể.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn