Tiếng Việt | English
News & Events
CONTACT

BLUEWAVE ADVISORY CO., LTD.

8th Floor, The Loyal Office Building

151 Vo Thi Sau st., Ward 6, District 3

Ho Chi Minh City, Vietnam

Tel: + 84 938 251 259          

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Hạ tầng hệ thống điện: hiện trạng và những khó khăn, thách thức

Giai đoạn 2011-2020, hệ thống điện đã cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, nhưng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hệ thống điện vẫn còn một số khó khăn thách thức.

Bộ Công Thương kiến nghị xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Khó khăn nguồn điện dự phòng

Thực hiện chủ trương “điện phải đi trước một bước”, trong giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở thực tế và những dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt 02 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gồm Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016) trong đó có nội dung đầu tư hạ tầng cung cấp điện.

Theo đó, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng điện đã có sự phát triển mạnh mẽ và đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng trên 10%/năm. Nhiều công trình nguồn và lưới điện được hoàn thành kịp thời giúp tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Công tác đầu tư xây dựng của ngành điện cũng dần có sự chuyển dịch từ việc đầu tư phát triển về chiều rộng để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện sang đầu tư theo chiều sâu để đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.

Cụ thể về nguồn điện, giai đoạn 2011-2015, ngành điện đã đưa vào vận hành khoảng 17 GW nguồn điện (bao gồm cả các nguồn thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo), đạt hơn 81% khối lượng được giao theo QHĐ VII, trong đó cao nhất là miền Trung đạt 95.9%, miền Nam đạt thấp nhất với 62.7%.

Giai đoạn 2016-2020, do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng mặt trời vào các năm từ 2018-2020, nên xét trên tổng thể thì tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống đạt tới 94% tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các nguồn điện truyền thống (than, khí, thủy điện - chủ yếu là nhiệt điện than) bị chậm tiến độ, chỉ đạt khoảng 60% so với kế hoạch. Công suất nguồn bị chậm khoảng 7.000 MW so với quy mô công suất trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Như vậy, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW tăng trên 2,6 lần so với năm 2010 (năm 2010, tổng công suất nguồn toàn hệ thống là 20.411 MW). Trong đó, nhiệt điện than chiếm 36%, thủy điện chiếm 37%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu chiếm 16%, năng lượng tái tạo chiếm 10%, nhập khẩu chiếm 1%. Tổng số nhà máy điện đang hoạt động là 160 (không bao gồm các nhà máy thủy điện nhỏ và NLTT).

Tuy nhiên, với nhu cầu điện sử dụng ngày càng cao, nguồn điện Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Thống kê cho thấy, năm 2020, công suất phụ tải đỉnh đã đạt gần 40.000 MW, như vậy nguồn điện đã không còn nguồn dự phòng (năm 2015, dự phòng đạt khoảng 20%).

Trong khi đó, nguồn thuỷ điện lớn đã được khai thác hết, tình hình thuỷ văn ngày càng khó khăn, thiếu nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; nguồn điện hạt nhân đã dừng; nguồn nhiệt điện than bị hạn chế phát triển do yếu tố xã hội và môi trường, hơn nữa nguồn nhiên liệu than cho phát điện cũng hạn chế, phải nhập khẩu. Một số dự án nhiệt điện đang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân; nguồn điện khí, điện dầu có giá thành cao, tạo áp lực tăng giá điện; hiệu suất của các nhà máy điện ngày càng giảm; nguồn NLTT dù có sự tăng trưởng cao trong 3 năm vừa qua nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% về công suất đặt và khoảng 6% về sản lượng điện. Đặc biệt NLTT ở Việt Nam chỉ tập trung ở một số khu vực, phụ thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết, thời gian huy động hạn chế.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư nguồn điện, nguồn điện Việt Nam ngày càng đa dạng. Tính đến hết năm 2019, nguồn điện của EVN chỉ chiếm 16% tổng công suất nguồn điện. Tỷ trọng công suất nguồn điện thuộc sở hữu tư nhân đã lên tới 34%, cao nhất trong cơ cấu chủ sở hữu. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo an ninh năng lượng điện nếu không có những giải pháp điều chỉnh, nhằm tránh tình trạng phụ thuộc.

Đầu tư lưới điện gặp nhiều thách thức

Để đáp ứng nhu cầu truyền tải, phân phối điện, trong giai đoạn 2011-2019, hệ thống lưới điện đã được đầu tư với khối lượng lớn, rộng khắp cả nước và có kết nối khu vực, đáp ứng tốt yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải, góp phần trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải kể cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cải thiện chất lượng điện năng của toàn hệ thống.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010 (3.890 km), chiều dài đường dây 220-110 kV tăng 1,9 lần so với năm 2010 (từ 23.156 km lên 43.174 km); Dung lượng trạm biến áp 500 kV tăng 2,84 lần (từ 12.000 MVA lên 34.050 MVA), dung lượng trạm biến áp 220-110 kV tăng 2,82 lần (từ 48.833 MVA lên 137.850 MVA).

Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 500-220 kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao, đạt khoảng 70%-90% so với yêu cầu quy hoạch. Trong đó có nhiều công trình lưới điện trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam, các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm đã được đưa vào vận hành.

Mặc dù vậy, tình trạng chậm tiến độ của một số công trình 500-220 kV, các công trình lưới điện phân phối vẫn diễn ra ở cả 3 miền. Nguyên nhân chung của việc không đạt được mục tiêu chủ yếu là khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (đơn giá đền bù, xác định nguồn gốc đất, địa phương chưa quyết liệt, một số người dân chống đối); vướng mắc thỏa thuận vị trí dự án (quỹ đất, chồng lấn quy hoạch); vướng mắc trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A; và các vướng mắc mới phát sinh trong chuyển đổi đất rừng để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải. Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.

Tương tự đối với các công trình lưới điện phân phối, do vướng về đền bù, giải phóng mặt bằng (xác định nguồn gốc đất, chuyển đổi đất rừng, đơn giá đền bù, thủ tục hành ….).

Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nói chung vẫn chưa đảm bảo dự phòng theo tiêu chí N-1, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên trong các trường hợp sự cố nguồn, sự cố lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện cũng gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế, không còn bảo lãnh Chính phủ, các thủ tục vay vốn trong và ngoài nước ngày càng phức tạp.

Có thể khẳng định, hạ tầng hệ thống điện có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương cần có sự chỉ đạo vào cuộc của các Bộ ngành địa phương, các Tập đoàn năng lượng và cả người dân nhằm đảm bảo mục tiêu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Trong đó, đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ; Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã nằm trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án công nghiệp điện, kỹ thuật điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cho phép Chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cho phép các dự án công nghiệp điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện toàn bộ các quy định pháp luật từ Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu để đảm bảo các quy định có tính logic, thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo khi triển khai thực hiện; Rà soát, điều chỉnh Luật Quy hoạch theo hướng ủy quyền cho các Bộ Quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các Quy hoạch ngành.

Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có đưa ra các giải pháp cụ thể về nguồn và lưới điện, nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước phát triển bền vững.

Nguồn: https://baodautu.vn/