Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió (Văn bản số: 1931/BCT-ĐL, ngày 19 tháng 3 năm 2020).
Theo văn bản của Bộ Công Thương, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực là khoảng 4.800 MW, dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, trong số 4.800 MW đã bổ sung quy hoạch, tính đến thởi điểm hiện tại, mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất là 350 MW.
Các dự án đang đề nghị bổ sung quy hoạch
Tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương nhận được các đề xuất của ủy ban nhân dân các tỉnh tổng cộng gần 250 dự án điện gió, với tổng công suất khoảng 45.000 MW, cụ thể chia theo khu vực/vùng địa lý như sau:
1/ Khu vực Bắc Trung Bộ (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị): Tổng số các dự án do UBND tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW.
2/ Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận): Tổng số các dự án do UBND các tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW (trừ dự án ngoài khơi Thăng Long Wind thì còn 793 MW).
3/ Khu vực Tây Nguyên (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng): Tổng số các dự án do UBND các tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 91 dự án, tổng công suất 11.733,8 MW.
4/ Khu vực Đông Nam Bộ (tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Bà Rịa - Vũng Tàu): Tổng số các dự án do UBND các tỉnh đề nghi bổ sung quy hoạch là 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW.
5/ Khu vực Tây Nam Bộ (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau): Tổng số các dự án do UBND các tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.
Đề xuất quy mô công suất điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025
Theo tính toán của Viện Năng lượng, công suất nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025 ở phương án cơ sở là khoảng 6.030 MW, ở phương án cao là 11.630 MW.
Tổng công suất điện gió đã được bổ sung quy hoạch là 4.800 MW. Như vậy, công suất nguồn điện gió đến năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 1.230 MW ở phương án cơ sở và 6.830 MW ở phương án cao.
Theo Bộ Công Thương, với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng gió là một trong những hướng đi chủ đạo, phù hợp. Mặt khác, nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn (giai đoạn 2021 - 2024) là hiện hữu, trong khi các nguồn nhiệt điện lớn tiếp tục chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, phụ tải có thế tăng cao, điều kiện khí hậu có thể bất lợi. Vì vậy, đề xuất lựa chọn phương án cao để phát triển nguồn điện gió.
Tính đáp ứng của hạ tầng hệ thống điện đối với các tỉnh có quy mô công suất điện gió để nghị bổ sung quy hoạch lớn
Theo kết quả tính toán của Viện Năng lượng (tháng 2/2020) về tính đáp ứng của lưới điện các khu vực (đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ) đến năm 2025 cho các kết quả được tổng hợp đánh giá như sau:
Khu vực Bắc Trung Bộ:
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có 16 dự án điện gió với tổng công suất 638 MW được phê duyệt bố sung quy hoạch; 2.612 MW điện gió đang được trình bổ sung quy hoạch. Tất cả các dự án nói trên đều tập trung tại khu vực đồi núi phía Tây Quảng Trị và được đề xuất vào vận hành trước tháng 11/2021.
Kết quả tính toán cho thấy, hệ thống điện 110 - 220 kV khu vực đáp ứng tương đối tốt nhu cầu giải phóng công suất các nguồn điện trên địa bàn trong chế độ vận hành bình thường. Tuy nhiên, với sự cố 1 trong 2 MBA của TBA 220 kV Lao Bảo (2x250MVA), máy còn lại quá tải. Giới hạn giải tỏa công suất tăng thêm nguồn điện gió khu vực tỉnh Quảng Trị khoảng 570 MW (chế độ vận hành bình thường).
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, mỗi tỉnh có 1 dự án đề xuất là Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh, công suất 120 MW và Trang trại điện gió B&T (Quảng Bình), công suất 252 MW, lưới điện đảm bảo giải tỏa công suất.
Như vậy, tổng công suất điện gió có thể bổ sung quy hoạch tại khu vực này là khoảng 941 MW. '
Khu vực Nam Trung Bộ:
Khu vực Bình Định, Phú Yên cũng tập trung khá nhiều các dự án điện mặt trời và hiện đang đề xuất bổ sung quy hoạch 4 dự án điện gió (tổng công suất là 331 MW). Tính toán cho thấy khụ vực này khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió do lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu.
Khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận là khu vực có tốc đọ tăng trưởng các nguồn NLTT cao nhất trong cả nước. Trong 2 năm 2018-2019 vừa qua, trên khu vực này, có khoảng 2.391 MW điện mặt trời và 200 MW điện gió đã vào vận hành. Ngoài ra, còn có khoảng 1.000 MW điện gió và gần 600 MW điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch, nhưng chưa vào vận hành. Thêm nữa, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (450 MW) mới được bổ sung quy hoạch (đóng điện đồng bộ cùng TBA 500 kV Thuận Nam).
Tỉnh Bình Thuận có đề nghị bổ sung quy hoạch dự án điện gió Thăng Long Wind (Kê Gà). Đây là dự án điện gió ngoài khơi, công suất 3.400 MW, vận hành giai đoạn 2022 - 2027, nên chưa đưa vào cân đối, do chỉ xem xét các nguồn điện gió vào vận hành trước tháng 11/2021.
Các tính toán được thực hiện cho các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tại thời điểm cuối năm 2021 cho thấy, chỉ khi toàn bộ các công trình lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch (Văn bản số 1891/TTg-CN ngày 27 tháng 12 năm 2018) vào vận hành (đặc biệt là TBA 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối), đồng thời thực hiện giải pháp vận hành tách đường dây 220 kV Di Linh - Đức Trọng, lưới điện khu vực chỉ có khả năng hấp thụ thêm khoảng 340 MW các nguồn điện gió và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Thuận Nam) (xét chế độ vận hành bình thường).
Khu vực Tây Nguyên:
Tính tới thời điểm hiện tại, khu vực có 13 dự án điện gió với tổng công suất 368 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, trong khi tổng quy mô công suất điện gió đang trình bổ sung quy hoạch là 11.733,8 MW. Trong đó, khoảng 71,3% công suất (8.368 MW) là các dự án điện gió nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tiếp đến là Đắk Lắk (2.683 MW) chiếm 23%, Đắk Nông (460 MW) chiếm 3,9%. Các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng chỉ có 1-2 dự án đề nghị bổ sung quy hoạch, công suất lần lượt là 153,5 MW và 69 MW.
Kết quả tính toán cho thấy, trong các trường hợp vận hành cực đoan (buổi trưa, mùa lũ, các nguồn Tây Nguyên phát hết công suất) thì ngay trong chế độ vận hành bình thường, TBA 500 kV Pleiku 2 (2x450MVA) và 500 kV Đắk Nông (2x450MVA) vận hành đầy tải. Như vậy, chỉ với các nguồn đã bổ sung quy hoạch, hệ thống điện khu vực năm 2021 đã tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành.
Để có thể xem xét bổ sung thêm công suất điện gió của khu vực, xét đến năm 2021, đề xuất xem xét các phương án sau:
Trường hợp 1: Cải tạo nâng công suất TBA 500 kV Đắk Nông và Pleiku 2 lên 2x900MVA:
Trong trường hợp TBA 500 kV Đắk Nông và TBA 500 kV Pleiku 2 được thực hiện nâng công suất lên 2x900MVA trong năm 2021, thì lưới điện khu vực có thể bổ sung quy hoạch khoảng 1.150 MW nguồn điện gió.
Trường hợp 2: Cải tạo nâng công suất TBA 500 kV Đắk Nông và Pleiku 2 lên 2x900MVA; xây mới đường dây 220 kV 41km Chư Sê - Pleiku 2:
Nếu đẩy sớm tiến độ đường dây 220 kV mạch 2 Pleiku 2 - Chư Sê dài khoảng 41 km (tiết diện AC500 hoặc 2xAC330) thì có thể giải phóng được thêm khoảng 250 MW công suất, nâng tổng công suất bổ sung thêm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk lên khoảng 1.400 MW ở lưới 220 kV. Đường dây Pleiku 2 - Chư Sê là một phần của đường dây mạch 2 Pleiku 2- Krông Buk đã có trong quy hoạch (2016-2020), hiện đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó, nếu muốn đẩy sớm đường dây này cần có biện pháp tương ứng để đảm bảo tiến độ vận hành đồng bộ với các dự án điện gió trong năm 2021.
Trường hợp mạch 2 của đường dây 220 kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi vận hành trong năm 2021 thì có thể giải tỏa thêm được khoảng 200 MW điện gió trên địa bàn khu vực tỉnh Gia Lai.
Các dự án đấu lên lưới 500 kV (như dự án điện gió La Pết - Đắk Đoa, công suất 200 MW; điện gió Ia Nam, công suất 400 MW) có thể giải tỏa được công suất. Cần kết hợp nhóm dự án để tận dụng hạ tầng lưới điện đấu nối dùng chung.
Khu vực Tây Nam Bộ:
Hiện tại, khụ vực có 32 dự án điện gió đã bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là khoảng gần 2.000 MW. Trong trường hợp xét đến lưới điện đã được phê duyệt quy hoạch đến cuối năm 2021, lưới điện các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đảm bảo giải tỏa nguồn. Riêng các tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, cần xem xét cải tạo sớm một số đường dây 110 kV (vận hành năm 2021) thay vì giai đoạn 2026-2030 như Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
Với điều kiện như vậy, tổng quy mô điện gió có thể giải tỏa thêm được khoảng 2.300 MW.
Trường hợp đầu tư thêm một số đường dây 110 kV
Các dự án lưới 110 kV đề xuất:
- Xây dựng mạch 2 ĐZ 110 kV Bến Tre 220 kV - Bến Tre dài 0.24 km, tiết diện ACSR-2x240.
- Xây dựng mạch 2 ĐZ 110 kV Ba Tri - Giồng Trôm dài 16 km, tiết diện ACSR-2x185.
- Xây dựng ĐZ 110 kV mạch kép từ TBA 220 kV Bến Tre đi TBA 220 kV Mỹ Tho dài 15 km, tiết diện ACSR-2x240.
Với việc đầu tư các đường dây trên, có thể giải phóng thêm được 755 MW (tập trung ở Bển Tre).
Trường hợp bổ sung quy hoạch một số dự án lưới 220kV
Các dự án 220 kV đề xuất:
- Xây dựng mới ĐZ 220 kV mạch kép dài khoảng 5 km, tiết diện ACSR- 400 từ TBA 220 kV Bạc Liêu đấu nối chuyển tiếp trên ĐZ 220 kV NĐ Cà Mau - Sóc Trăng hiện có (mạch đơn, ACSR-795MCM tương đương ACSR-400). Đường dây 220 kV này hiện chưa có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bạc Liêu.
- Mở rộng thêm 2 ngăn lộ 220 kV tại TBA 220 kV Bạc Liêu (hiện nay, theo xem xét sơ bộ, việc mở rộng thêm ngăn lộ khá khó khăn).
Sau khỉ thực hiện giải pháp đề xuất, ở chế độ vận hành bình thường, lưới điện 220 kV chỉ có thể giải tỏa thêm khoảng 200 MW từ cụm điện gió đấu nối trên ĐZ 220 kV Giá Rai - Bạc Liêu.
Khu vực Đông Nam Bộ:
Trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đề xuất bổ sung quy hoạch 2 dự án: Dự án Công Lý Bà Rịa-Vũng Tàu, công suất 102,6 MW (gần bờ) và Dự án HBRE Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 500MW (xa bờ).
Tổng hợp các tính toán, phân tích trên đây, khả năng lưới điện đến năm 2021 (với một số đề xuất cải tạo, đấy nhanh tiến độ và bổ sung quy hoạch một số công trình) có thể hấp thụ được khoảng 7.000 MW (trường hợp vận hành bình thường).
Công suất này khá phù hợp với công suất điện gió tăng thêm ở phương án cao (bổ sung thêm khoảng 6.830 MW), có xét đến dự phòng khi tiến dộ triển khai một số dự án nguồn và lưới điện không đáp ứng yêu cầu.
Đề nghị bổ sung/đẩy sớm các công trình lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa các dự án điện gió
Từ các tính toán, phân tích nêu trên, một số công trình lưới điện truyền tải cần thiết phải bổ sung quy hoạch/đẩy sớm tiến độ nhằm giải tỏa các dự án điện gió, cụ thể như sau:
1/ Nâng công suất TBA 500 kV Đắk Nông từ 2x450MVA lên 2x900MVA.
2/ Nâng công suất TBA 500 kV Pleiku 2 từ 2x450MVA lên 2x900MVA.
3/ Xây dựng mới đường dây 220 kV Bạc Liêu - Rẽ NĐ Cà Mau - Sóc Trăng, chiều dài 5km.
4/ Đẩy sớm tiến độ TBA 220 kV Bình Đại và đường dây 220 kV mạch kép từ TBA 220 kV Bình Đại - Bến Tre (250 MVA; 2x50 km) từ giai đoạn 2031 - 2035 sang giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ
1/ Đồng ý chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện, phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi hoặc các nguồn điện khác chậm tiến độ.
2/ Xem xét quyết định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió với phương án đấu nối và điều kiện giải tỏa công suất theo danh mục đề xuất.
3/ Xem xét bổ sung quy hoạch/đẩy sớm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió trong danh mục đề xuất.
4/ Giao ủy ban nhân dân các tỉnh có các dự án điện gió khẩn trương rà soát quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác theo thẩm quyển đế tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án năng lượng tái tạo đã được bổ sung quy hoạch, ưu tiên khu vực đất có giá trị kinh tế thấp và có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
5/ Giao Bộ Công Thương phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió đã được bổ sung quy hoạch. Trong trường hợp các dự án không thực hiện triển khai theo phê duyệt, sẽ đề nghị kiên quyết thu hồi dự án để tránh ảnh ảnh hưởng đến các dự án khác trong quá trình xem xét bổ sung qui hoạch và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
6/ Yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện gió.
7/ Các dự án điện gió chưa được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, thẩm định để bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nếu đủ điều kiện hoặc xem xét, cân đối trong Quy hoạch điện VIII./.
Chi tiết xem Nội dung Văn bản số: 1931/BCT-ĐL,
Nguồn: http://nangluongvietnam.vn