Chỉ số tăng 7,02% của GDP năm 2019 đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Bức tranh kinh tế vĩ mô 2020 được các chuyên gia dự báo "lạc quan trong thận trọng", đặc biệt trong quan hệ giao thương với Hoa Kỳ và kiểm soát tốt dòng vốn FDI.
Báo cáo mới nhất về tổng quan kinh tế Việt Nam từ HSBC nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP 7,02% của Việt Nam năm 2019 có thể xem là "điểm sáng" trong một năm đầy thách thức. Hai động lực chính thúc đẩy chỉ số này đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất và tốc độ mở rộng quy mô của ngành dịch vụ.
Tăng trưởng thương mại và vốn FDI ổn định đã hỗ trợ tích cực cho khả năng phục hồi của khu vực sản xuất. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh và lượng khách du lịch bùng nổ đã thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành dịch vụ, nhờ đó rủi ro từ khu vực kinh tế trong nước cũng được kiểm soát tốt hơn những năm trước.
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ông Vũ Tú Thành - phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nhận xét bức tranh kinh tế vĩ mô năm qua là "tích cực" khi so sánh Việt Nam trong khu vực ASEAN và đặt ASEAN cạnh những nơi khác trên thế giới.
5 đối tác đầu tư FDI lớn nhất năm 2019 của Việt Nam. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
"Châu Á là khu vực đang tạo ra GDP lớn hơn phần còn lại của thế giới, động lực tăng trưởng của châu Á ở ASEAN và động lực tăng trưởng của ASEAN ở Việt Nam và Philippines. Dù Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt cược vào chúng ta", ông Thành phân tích với Forbes Việt Nam.
Phân tích thêm về sự tăng cao của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm qua, ông Thành cho rằng, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung chỉ là một phần, kế hoạch Trung Quốc+1 (mở rộng hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc) khiến số lượng các chuyến tìm hiểu Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ngày một tăng.
"Trong gần 40 tỉ USD FDI của năm 2019, chúng ta nhìn thấy Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc nổi lên, nhưng thiếu vắng những công ty từ Hoa Kỳ và châu Âu, bởi các công ty từ đối tác dẫn đầu linh hoạt và thích nghi nhanh hơn hẳn những doanh nghiệp đa quốc gia từ Hoa Kỳ hay khu vực lục địa già". Ông Thành dự báo sẽ có "độ trễ" nhất định, nguồn vốn FDI từ Hoa Kỳ và châu Âu sẽ gia tăng khoảng cuối 2020.
Trong khi ở thị trường tài chính tiền tệ, các nhà phân tích từ SSI đánh giá năm 2019 nhiều "biến động". Trong suốt 18 tháng qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là yếu tố chi phối lớn nhất tới thị trường toàn cầu. "Sự khó lường trong quan hệ thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn cả những tác động của các đòn thuế quan," trích báo cáo SSI.
Theo tiến sĩ Lương Tuấn Anh - giảng viên đại học De Montfort (Anh), thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam có thể xem là "trường hợp đặc biệt" trong số các quốc gia mới nổi. Ông đưa ra dữ liệu cho thấy, thương chiến Mỹ - Trung đã tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của nhiều nước.
Hệ quả là các quốc gia có nền kinh tế "đang phát triển" chịu nhiều tổn thương hơn những nền kinh tế đã phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam lại không chịu nhiều sức ép, đặc biệt về tỷ giá bất chấp thương chiến căng thẳng.
Nhìn lại năm 2019, tỷ giá USD/VND chỉ có một đợt sóng quanh tháng 5.2019 khi thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng. Tỷ giá của ngân hàng thương mại đạt đỉnh 23.360/23.480, tăng khoảng 0,84-0,97% so với cuối năm 2018 tuy nhiên nhanh chóng hạ nhiệt trong vài tuần sau đó.
Tỷ giá tiền tệ Việt Nam dã không bị ảnh hưởng nhiều giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động bởi thương chiến Mỹ - Trung.
Tỷ giá cả năm hầu như đi ngang và có chiều hướng giảm vào cuối năm. Tính chung cả năm, tiền đồng vẫn tăng giá so với đô-la Mỹ 0,16%, theo báo cáo tài chính tiền tệ 2019 của SSI. Khi tỷ giá giao dịch giảm mạnh trong tháng 12, tỷ giá trung tâm cũng giảm 25 đồng/USD, phát đi thông điệp về đồng nội tệ chuyển động theo cung cầu, là một hành động hợp lý khi phía Mỹ luôn theo sát các nước có thặng dư thương mại lớn như Việt Nam.
"Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đang làm khá tốt vai trò điều hành chính sách tiền tệ, tới thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thấy một cú sốc nào về tỷ giá - vốn dĩ là hệ quả khi Việt Nam phải hấp thụ một lượng lớn vốn từ Trung Quốc đổ sang", ông Tuấn Anh lý giải với Forbes Việt Nam.
Ông cũng phân tích thêm, với những điểm tương đồng về vị trí địa lý, hệ thống chính trị, văn hóa với Trung Quốc, Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại cũng trở thành sức ép lên đồng nội tệ, buộc Ngân hàng Nhà nước có những chính sách tài khoá hợp lý để nâng tỷ giá đồng nội tệ.
Dù năm 2019 được xem là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, nhưng dự báo từ HSBC lại không quá khả quan. Chuyên gia HSBC dự báo tăng trưởng GDP 6,6% và lạm phát 3,8% năm 2020. "Việt Nam sẽ khó nằm ngoài chu kỳ giảm tốc của kinh tế toàn cầu," báo cáo nhận định, theo đó chính phủ sẽ tập trung vào cải cách theo nhu cầu, đặc biệt trong Luật PPP, chuẩn Basel II đối với tất cả ngân hàng và giảm nợ công.
Chuyên gia Vũ Tú Thành nhận định châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là những đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam. "Nếu EVFTA được phê chuẩn, tôi tin rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU sẽ tăng trở lại, ít nhất là bằng hoặc vượt con số của năm 2018," ông Thành trao đổi với Forbes Việt Nam.
Tiến sĩ Lương Tuấn Anh cho rằng yếu tố quan trọng trong chính sách tiền tệ năm 2020 là "Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục tăng giá đồng nội tệ trong phạm vi nhất định để không ảnh hưởng xuất khẩu, nhưng sẽ cân bằng để tránh phá giá tiền đồng".
Từ thực trạng của thương mại và kinh tế vĩ mô 2019, Stephen Olson -chuyên gia thương mại toàn cầu của quỹ Hinrich Foundation đưa ra hai vấn đề có thể đe doạ sự ổn định vĩ mô của Việt Nam: Sự bất ổn trong làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất; và thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ đang tiếp tục gia tăng.
"Nếu thương chiến tiếp tục năm nay, dẫn tới sự bất ổn trong kinh doanh và đầu tư trên toàn cầu, thì tác động tiêu cực chung đối với Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích nào mà Việt Nam có thể nhận được từ sự chuyển dịch các cơ sở sản xuất của Trung Quốc", ông Olson trả lời Forbes Việt Nam qua email.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần nỗ lực đặc biệt để giải quyết vấn đề trung chuyển gian lận qua Việt Nam - điều này đang thu hút rất nhiều sự chú ý tiêu cực từ Hoa Kỳ. "Các hiệp định thương mại tự do và dòng vốn FDI dồi dào cũng đặt ra câu hỏi lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam: liệu có đủ năng lực để hấp thụ vốn một cách bền vững?" - chuyên gia Olson đặt vấn đề.
Nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/