Ngày 20/12/2019, Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam (VER) chính thức công bố Bảng xếp hạng VCE 10 - Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng sạch Việt Nam năm 2019 (Leading clean energy enterprises in Vietnam 2019).
Bảng xếp hạng VCE 10 được các nhà khoa học dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương, EVN, VEA, VER và thông tin tổng hợp dựa trên kết quả thực tế của các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố tham gia đầu tư năng lượng sạch tại Việt Nam hiện nay. Tiêu chí đánh giá Bảng xếp hạng VCE 10 dựa trên (1) quy mô đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, (2) cập nhật xu thế năng lượng sạch trên thế giới, (3) công nghệ, thiết bị, (4) các yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, (5) tốc độ đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, (6) trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, v.v…
Theo đánh giá của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT). Ngoài các nhà máy thủy điện lớn và vừa đã được phát triển nhiều năm, hiện đã có tổng công suất phát điện trên 19.000 MW, và có trên 3.300 MW công suất từ các nhà máy thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, đến nay tiềm năng thủy điện còn lại không nhiều, (khoảng dưới 1.000 MW các thủy điện vừa và trên 3.000 thủy điện nhỏ - dưới 30 MW). Nhưng tiềm năng điện mặt trời và điện gió từ nhiều nguồn khảo sát, đánh giá là rất lớn. Ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời khoảng trên 330 ngàn MWp và điện gió từ 27 - 140 ngàn MW [1].
Với chủ trương thúc đẩy phát triển NLTT, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích các loại hình nguồn điện NLTT qua các cơ chế “chi phí tránh được”, cơ chế Feed-in-tariff, net mettering… cho các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời. Nhờ đó, trong các năm gần đây nhiều nhà đầu tư nhà nước, cũng như tư nhân trong và ngoài nước đã xúc tiến xây dựng nhiều dự án, đưa tỷ lệ các nguồn điện NLTT được tăng lên nhanh chóng.
Để động viên khuyến khích thêm việc phát triển nguồn NLTT, đồng thời tìm hiểu những nhân tố về áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, những thuận lợi, khó khăn và nguyện vọng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam [2] đã sơ bộ tổng hợp và công bố những doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư năng lượng sạch (tính đến hết năm 2019).
Năm 2019 được xem là một năm bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo mà chủ đạo là điện gió và điện mặt trời nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam. Kết quả là sự ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt hướng đến năng lượng thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch được các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam bình chọn lần lượt là:
1/ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
2/ Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng.
3/ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group).
4/ Tập đoàn TTC.
5/ Tập Đoàn Bim Group.
6/ Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex).
7/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
8 Tập Đoàn Sunseap (Thái Lan).
9/ Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý.
10/ Tập đoàn Sao Mai.
Tổng công suất nguồn điện của Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là trên 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất điện mặt trời, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn NLTT (không kể thủy điện vừa và lớn).
Trong đó, Trungnam Group giữ đầu bảng trong bảng xếp hạng năm 2019 với 3 dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Trong đó, tại tỉnh Ninh Thuận, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, với tổng công suất 204 MW; Nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 1) với tổng công suất 39,95 MW; tại tỉnh Trà Vinh, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, tổng công suất 140 MW.
Gần đây nhất, Trungnam Group đã tổ chức Lễ phát điện nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 2) với tổ máy đầu tiên có công suất 4,0 MW/trụ, là loại tua bin trên đất liền có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, sử dụng công nghệ không hộp số (gearless) và tự động điều chỉnh góc đón gió của CHLB Đức. Đây được xem là những nổ lực lớn của nhà đầu tư trong việc quyết tâm phát triển năng lượng tái tạo.
Bảng xếp hạng VCE 10 dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương, EVN, VEA và thông tin tổng hợp dựa trên kết quả thực tế của các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố tham gia đầu tư năng lượng sạch tại Việt Nam hiện nay.
Tiêu chí đánh giá Bảng xếp hạng VCE 10 dựa trên (1) quy mô đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, (2) cập nhật xu thế năng lượng sạch trên thế giới, (3) công nghệ, thiết bị, (4) các yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, (5) tốc độ đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, (6) trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, v.v…
Danh sách Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch Việt Nam năm 2019:
Nguồn: http://nangluongvietnam.vn/