Năm 2019, khi cả CPTPP và EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại những thuận lợi cho nông sản Việt hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất.
Thời cơ thuận lợi cho nông nghiệp phát triển
Bước sang năm 2019, mục tiêu của ngành nông nghiệp là đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 42 - 43 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp, nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại mới đã ký kết.
Khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, về thủy sản, các mặt hàng thuộc ngành này sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa - những mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico - sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Gạo xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada và Mexico cũng là thị trường mới.
Nông sản Việt liên tục được quảng bá giới thiệu tại các hội chợ.
Các mặt hàng xuất chủ lực khác của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thủy sản… có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan. Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng như Canada, Australia…Khi Hiệp định mậu dịch tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năm 2019, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với các FTA thế hệ mới, Chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới yêu cầu ngành nông nghiệp cần nâng tầm của mình lên giai đoạn mới. Đây sẽ không còn là câu chuyện của Trung ương, địa phương với doanh nghiệp mà là chung tầm nhìn.
“Trong năm 2019, cần khắc phục cho được những hạn chế, trước hết là công tác phát triển thị trường. Xuất khẩu nông sản năm 2019 có thể lên 42-43 tỷ USD không? Năng lực sản xuất đáp ứng được nhưng phải khai thác được thị trường các nước tham gia CPTPP, EVFTA… Do đó, cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến.
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh cơ hội mới khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức. Ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến sâu.
“Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Việc “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn có thời điểm tăng rất cao là bài học. Chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.
Năm 2019 sẽ là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng… Kim ngạch xuất khẩu nông sản khoảng 42 - 43 tỷ USD là mục tiêu mà năng lực của nền sản xuất nông nghiệp có thể đạt được.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho rằng, bên cạnh yếu tố thị trường thì vấn đề chất lượng nông sản cũng là điều quan trọng khi cạnh tranh trên thị trường mở khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Nông nghiệp Việt Nam có điểm đáng tự hào, với thế mạnh về sản xuất nông - thủy sản, thế mạnh này cần được phát huy
“Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 42 - 43 tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Và trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?” - TS Võ Trí Thành nói.
Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng cần tiếp tục khắc phục những hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ, yếu kém trong chế biến.
Nguồn: http://cafef.vn